Quản lý năng lượng

Tiết kiệm điện: Nhân rộng các giải pháp hiệu quả

Thứ hai, 18/3/2019 | 08:31 GMT+7
Trong bối cảnh, khu vực miền Nam đang đối diện với nguy cơ thiết hụt nguồn điện năng thì các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất, sinh hoạt mang lại hiệu quả cao cần được nhân rộng để ích nước lợi nhà.
tiet kiem dien nhan rong cac giai phap hieu qua
Chương trình hỗ trợ sử dụng thiết bị tiết kiệm điện mang lại hiệu quả cao cho người trồng thanh long.
 
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, các giải pháp tiết kiệm điện của người dân, doanh nghiệp ở khu vực miền Nam đã và đang thực hiện hiệu quả gồm các mô hình như: Gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm điện trong trường học, hỗ trợ tiết kiệm điện cho nông dân trồng hoa cúc, thanh long, nuôi tôm, dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mô hình ESCO…
 
Trong chương trình gia đình tiết kiệm điện, miền Nam hiện có 1.244 ấp/khu phố tham gia với 1.356.242 hộ gia đình đăng ký thực hiện, trong đó 4.037 hộ gia đình đã đạt mức tiết kiệm lớn hơn 10% so với mức sử dụng trước đó. "Chương trình gia đình tiết kiệm điện hiện đã được ngành điện triển khai đến hầu hết các ấp/khu phố ở miền Nam và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ lợi ích của nó mang lại cho người sử dụng điện" - ông Lý chia sẻ.
 
Ông Thái Đắc Toàn - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho hay, tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 1.500 hộ dân đang canh tác khoảng 2.200 ha hoa cúc. Tổng sản lượng điện sử dụng để trồng hoa cúc khoảng 60 triệu kwh/năm, tương đương 8,5 tỷ đồng/tháng, 102 tỷ đồng/năm. Để tiết kiệm điện người nông dân trồng hoa cúc đã chuyển bóng đèn compact sang dùng đèn led chong cho cúc nở hoa, giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao. Mô hình sử dụng đèn led tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 1/3 so với sử dụng đèn compact. Với số lượng bóng đèn như hiện nay, người trồng hoa cúc nếu thay thế toàn bộ bóng đèn led, sản lượng điện tiết kiệm đạt khoảng 40 triệu kwh/năm.
 
"Để giúp nông dân trồng hoa cúc sử dụng đèn led, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã ký 10 hợp đồng với các đơn vị thực hiện chương trình ESCO. Đây là giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm được chi phí lớn tiền sử dụng điện trong canh tác" - ông Toàn cho biết thêm.
 
Chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long cũng đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế cho nông dân. Tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An có khoảng 45.000 hộ dân trồng thanh long với diện tích 47.018 ha đang sử dụng 39.345.305 bóng đèn để chong cho thanh long nở hoa, trong đó 3.935.000 bóng đèn sợi đốt, 35.410.305 bóng đèn compact.
 
Ông Nguyễn Văn Lý tính toán, nhờ tác động từ chương trình, giá đèn compact hiện nay trên thị trường giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/đèn. Nếu tính 17 triệu đèn compact sau chương trình đến nay, người dân được lợi từ việc giảm giá là hơn 136 tỷ đồng. Riêng tiền điện tiết kiệm được khi thay đổi đèn sợi đốt bằng đèn compact cho 20 triệu bóng đèn theo tuổi thọ của bóng đèn (4.000 giờ, tính bình quân bằng 70% so với công bố của nhà sản xuất) tương ứng khoảng 4.800 tỷ đồng. Chưa hết, dự án còn mang lại giá trị tiết kiệm cho ngành điện do giãn thời gian đầu tư khoảng 115 tỷ đồng/năm và giúp cắt giảm 1.792.000 tấn CO2 phát thải ra môi trường.
 
Để người trồng thanh long tiếp tục phát huy hiệu quả từ việc tiết kiệm điện, EVNSPC đề xuất hỗ trợ chi phí thay thế toàn bộ đèn công suất từ 60W trở lên với số lượng 6.224 đèn, kinh phí hơn 136 triệu đồng; hỗ trợ 10.000 đồng/đèn cho đèn công suất từ 40W-60W với số lượng 500.000 đèn, kinh phí là 5 tỷ đồng.
Theo: Báo Công Thương