Quản lý năng lượng

Người dân tiết kiệm năng lượng từ những việc làm nhỏ Xã Hòa Bình (Thái Bình)

Thứ ba, 10/11/2020 | 14:13 GMT+7
Những năm qua, người dân trong xã Hòa Bình luôn ý thức cao việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) thông qua những việc làm tưởng chừng nhỏ, song mang lại ý nghĩa lớn. 

Xã Hòa Bình có hơn 20% hộ dân  được TTKC hỗ trợ kinh khí lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời.

Sự hưởng ứng tích cực của người dân đã giúp nâng cao đời sống của chính họ và góp phần giúp địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững.

Xã Hòa Bình thuộc huyện Hưng Hà, dù là một xã có quy mô 1.500 hộ dân, với 4.500 nhân khẩu, nằm gần trung tâm huyện nên thuận lợi về giao thông và giao lưu buôn bán. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trong xã tích cực mở mang chăn nuôi, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thời gian qua tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực với các ngành nghề chủ yếu như: May mặc; cơ khí; mộc; nhôm kính; hương xuất khẩu; một số hộ còn mạnh dạn phát triển nghề mới như làm túi xách… Vì thế, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh tương đối lớn; chỉ tính riêng điện năng, mỗi tháng địa phương tiêu thụ khoảng 400 triệu đồng tiền điện.
 
Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua khảo sát thực tế thì thấy rằng, dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung, năng lượng điện nói riêng của người dân sẽ tăng cao trong thời gian tới. Để giảm áp lực lên hệ thống lưới điện và tiết kiệm chi phí cho người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến nay, 100% số hộ dân đã sử dụng các thiết bị chiếu sáng có tính năng tiết kiệm điện (TKĐ) như sử dụng bóng đèn compact thay thế bóng đèn sợi đốt. Kể cả điện đường chúng tôi cũng sử dụng bóng đèn TKĐ. Bà con đã hình thành thói quen tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và khi không có nhu cầu sử dụng”.
 
Không dừng lại ở đó, nhiều hộ dân ở Hòa Bình đã đầu tư bình nước nóng năng lượng mặt trời thay thế bình nước nóng sử dụng điện. Theo thống kê của UBND xã, tính từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 80 hộ lắp đặt, sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, trong đó hầu hết kinh phí lắp đặt của các hộ dân đều được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình (Sở Công Thương) hỗ trợ.
 
Là một trong những hộ sớm sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, bà Nguyễn Thị Nụ, thôn Tân Dân hồ hởi cho biết: “Việc đầu tư mua bình nước nóng năng lượng mặt trời ban đầu có cao hơn bình nước nóng sử dụng điện, chi phí ban đầu gia đình tôi bỏ ra khoảng hơn 5 triệu đồng, nhưng tính về lâu dài thì thấy có nhiều lợi ích hơn. Ngoài dùng nước nóng thoải mái, gia đình không phải lo về tiền điện tăng thêm mỗi tháng, nguồn nước nóng còn được sử dụng nấu thức ăn, nước uống cũng giúp tiết kiệm được cả điện, gas đun nấu và chất lượng cuộc sống được nâng lên. Việc sử dụng thiết bị này cũng rất an toàn cho sức khỏe, tính mạng người thân. Từ sau khi lắp đặt tôi thấy rất hiệu quả nên đã vận động các con và người thân họ hàng trong nhà cùng lắp đặt”.
 
Trong phát triển chăn nuôi, một trong những giải pháp hữu hiệu được xã Hòa Bình thực hiện là khuyến khích các hộ chăn nuôi xây hầm biogas quy mô hộ gia đình. Đối với các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, địa phương tuyên truyền nêu cao ý thức, trách nhiệm, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần TLNL, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó,  sẽ hướng tới giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm bằng các phương pháp sử dụng TKĐ, đảm bảo sử dụng máy móc đúng công suất, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm. Tăng cường sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng.
 
Anh Mai Hoàng Kiêm – Chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ Hoàng Kiêm chia sẻ: Cơ sở của anh sản xuất chủ yếu các loại tay vịn cầu thang bằng gỗ vì thế phải sử dụng các loại máy công suất tiêu thụ điện lớn như máy cắt; máy xẻ, cưa, bào gỗ. Mỗi tháng gia đình anh tiêu thụ khoảng 400 – 500 kWh điện, tương đương 3 – 4 triệu đồng. Ý thức được việc phải TKNL, bởi trước hết nó đem lại lợi ích cho chính gia đình mình, sau là đem lại lợi ích cho xã hội, anh đã thực hiện TKĐ bằng việc không sử dụng các loại máy công suất lớn vào giờ cao điểm vì dễ gây nguy cơ quá tải dẫn tới cháy nổ, mất an toàn. Đồng thời, sắp xếp các vật dụng một cách khoa học, tiện lợi, dễ lấy để tận dụng tối đa thời gian, không để máy chạy không tải, gây lãng phí điện.
 
Dù là một xã nhỏ, nhưng ý thức TKNL của người dân ở Hòa Bình lại có ý nghĩa vô cùng lớn. Ngoài tuyên truyền thông qua các hội nghị do chính quyền địa phương tổ chức, các hộ gia đình tại đây đã tự truyền tai nhau về hiệu quả mà TKNL đem lại. Rõ ràng, thành công từ chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ còn là trên lý thuyết hay sự hưởng ứng cho có phong trào, mà thực sự đã đi vào ý thức người dân và đời sống của mỗi hộ gia đình tại đây.

Link gốc
Theo: CN&TD