Ông Bùi Văn Lưu – Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 2.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông qua chặng đường trên 17 năm gắn bó với ngành Điện trên cương vị Giám đốc, với một mục tiêu duy nhất là đủ điện cho phía Nam phát triển. Ông là một tấm gương sáng, rất mẫu mực mà hầu hết đồng nghiệp nhiều thế hệ đều dành sự trân trọng, yêu thương, là cây cao bóng cả của ngành Điện Việt Nam. Những thành tích của ông trong suốt quá trình công tác, tham gia cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và biểu dương với nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương chiến thắng hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Ông đã cống hiến máu thịt cho ngành điện không chỉ trong 17 năm tại chức mà là cả quá trình gần 40 năm gắn bó với ngành Điện. Dù ở cương vị công tác nào hay khi đã nghỉ hưu, ông đều nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn nhiệt huyết, đóng góp tích cực cho ngành Điện. Đặc biệt, trong 17 năm với cương vị là người đứng đầu đơn vị, ông đã nỗ lực cố gắng cùng với tập thể lãnh đạo đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với từng thời kỳ để triển khai có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Năm 1978, kỹ sư Bùi văn Lưu, sau hơn 20 năm tập kết, học tập, lao động ở miền Bắc đã trở về đảm nhận cương vị quản lý, tổ chức ngành Điện phía Nam. Lúc ấy, miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, ngành điện gặp vô vàn khó khăn, phức tạp, các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, các linh kiện, thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có dự phòng thay thế...
Năm 1988, với uy tín và sự quyết tâm, khi Nhà máy thủy điện Trị An hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia, kỹ sư Bùi Văn Lưu đã vận dụng nhiều phương thức để thực hiện hiệu quả mục tiêu điện khí hóa nông thôn. Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, ông đã vận động khởi công thực hiện điện khí hóa xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi- là xã ngoại thành đầu tiên được Công ty Điện lực 2 chọn làm thí điểm để thực hiện mô hình đưa điện lưới quốc gia về.
Vào tháng 5 năm 1990, trên chuyến phà Bình Khánh, kỹ sư Bùi Văn Lưu cùng lãnh đạo ngành năng lượng và các đồng nghiệp của mình đưa đồng chí Võ Văn Kiệt, (ngày ấy là Thủ tướng Chính phủ), tham dự lễ khánh thành lưới điện quốc gia vượt sông Sài Gòn về thắp sáng huyện đảo Cần Giờ, là địa bàn chỉ cách TP Hồ Chí Minh gần 1 giờ đồng hồ giao thông bằng đường sông. Khó có thể dùng ngôn từ nào để diễn đạt niềm hạnh phúc của cả lãnh đạo địa phương cũng như người dân huyện đảo. Ngày có điện như trong mơ, giấc mơ hàng trăm năm của người dân nơi đây.
Sau những nỗ lực bền bỉ, chắt chiu từng đồng vốn cho dự án phát triển nguồn và lưới điện vùng sâu miền Đông Nam bộ, năm 1992, kỹ sư Bùi Văn Lưu đã đưa đồng chí Nguyễn Văn Linh, (ngày ấy là Tổng Bí thư) cùng đoàn cán bộ cấp cao về khánh thành trạm biến áp và lưới điện huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, cũng là chiến khu Bắc Ruộng vang danh trong thời kỳ chống Mỹ. Công trình này không chỉ đem lại ánh sáng văn minh cho người dân vùng kháng chiến xưa, mà còn làm ấm áp vong linh biết bao đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống ở cánh rừng miền Đông Nam bộ này.
Mùng 5 Tết Nguyên đán năm 1992, tại phòng họp Công ty Điện lực 2, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì cuộc họp với những nhà khoa học, những trí thức lớn và các lãnh đạo chủ chốt ngành năng lượng. Ông đã lắng nghe, tổng hợp các ý kiến và đi đến kết luận: Quyết định khởi công xây dựng đường dây tải điện 500kV thống nhất lưới điện quốc gia, góp phần cung cấp điện cho phía Nam.
Ròng rã từ năm 1992-1994, trên chiều dài gần 1.500km, hàng ngàn kỹ sư, công nhân ngành Điện đã đưa lưới truyền tải 500kV vượt qua trùng trùng núi cao, vực sâu, sông suối, qua nhiều huyện thị cả nước, thần tốc hoàn thành công trình lịch sử đường dây 500kV Bắc Nam, mở ra một chương mới cho ngành Điện lực cả nước.
Với những trăn trở về một miền đất phương Nam bừng sáng luôn canh cánh trong lòng nên ngay khi công trình đường dây 500kV hoàn thành và đưa vào vận hành, kỹ sư Bùi Văn Lưu đã cùng lãnh đạo Công ty Điện lực 2 triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn, cụ thể là đưa điện lưới quốc gia về 4 huyện vùng sâu, vùng sông nước vây quanh của Đất Mũi Cà Mau là các huyện: U Minh, Trần văn Thời, Cái Nước và Thới Bình.
Quãng thời gian thực hiện dự án này, kỹ sư Bùi Văn Lưu liên tục bám sát công trình để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Không ít lần ông ngồi võ lãi suốt 3,4 giờ đồng hồ vào tận hiện trường thi công (Võ lãi là chiếc đò máy phương tiện đi lại duy nhất ở miền sông nước chằng chịt). Có thể chỉ người dân nhiều thế hệ sống ở bưng biền, vùng sâu cả đời hiu hắt với ngọn đèn dầu mù u, dầu chai mới thấu hiểu, mới có được niềm vui đến tột cùng ngày nhìn thấy bóng đèn điện bật sáng trên quê hương mình.
Năm 1995, chính thức nghỉ hưu, kỹ sư Bùi Văn Lưu an tâm khi nhiệm vụ phát triển nguồn sáng đất phương Nam được người kế nhiệm cùng lực lượng kỹ sư, công nhân Công ty Điện lực 2, nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam tiếp tục thực hiện với đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, đã và đang đem lại những hiệu quả ngoài cả mong đợi.
Nếu năm 1975 khi đất nước thống nhất, tổng sản lượng điện miền Nam chỉ có 1,61 tỷ kWh thì đến năm 2015, 21 tỉnh thành phía Nam (trừ TP Hồ Chí Minh) đã đạt 49,38 tỷ kWh. Và năm 1975 số hộ dân có điện ở miền Nam chỉ đạt 2,5%, thì đến nay 100% số huyện, xã có điện, 99% hộ dân có điện, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 98,77%. Thành quả đó là sự lao động, cống hiến tâm huyết và trí tuệ của tập thể lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam qua nhiều thời kỳ, trong đó in đậm dấu ấn của kỹ sư Bùi Văn Lưu – một người đã dành trọn cuộc đời mình trên cuộc hành trình vì nguồn sáng đất phương Nam.
Nói về kỹ sư Bùi Văn Lưu, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải trải lòng: “Một con người trưởng thành được là nhờ môi trường anh ta sống trong đó. Và tôi đã được sống trong môi trường rất tốt: Môi trường học tập và rèn luyện. Tôi đã học được ở đồng chí Bùi Văn Lưu rất nhiều điều. Mặc dù chỉ đáng tuổi con anh Hai Lưu, thế nhưng khi làm việc với đồng chí, bao giờ đồng chí cũng rất trân trọng, bao giờ cũng gọi đồng chí Hải, góp ý rất chân thành: Tình hình lưới điện miền Nam như thế này, tình hình hệ thống điện hay tình hình cán bộ như thế này… dù lúc đó đồng chí Hai Lưu đã nghỉ hưu. Đồng chí Hai Lưu là một người rất có kinh nghiệm về tổ chức, cán bộ. Mỗi lần trao đổi, tiếp xúc với đồng chí, tôi học hỏi được rất nhiều. Đồng chí có công rất lớn trong việc đào tạo cán bộ kế cận cho ngành Điện miền Nam, lớp này kế tiếp lớp sau để ngành Điện phát triển bền vững.”
Tháng 3/2016, chú Bùi Văn Lưu ông vinh dự được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng ở tuổi 90. Những dấu ấn và hình ảnh về quãng thời gian được cùng làm việc với ông sẽ trở thành những kỷ niệm không thể nào quên với từng người đồng nghiệp và các thế hệ CBCNV ngành Điện miền Nam.