Chị Chung Thị Ngọc Hương
Từ “siêng năng thì mau tiến bộ”...
Chị Chung Thị Ngọc Hương – Phòng hành chính tổng hợp (HCTH) Trung tâm Thí nghiệm điện (thuộc Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh - EVN HCMC) gây ấn tượng không chỉ bởi các thành tích đã đạt được mà còn bởi cách nói chuyện bộc trực, thẳng thắn, đúng “chất” Nam Bộ, đặc biệt là quá trình học tập, lao động, phấn đấu theo gương Bác để đi từ một công nhân điện trở thành Cử nhân luật, đảm nhận công việc hành chính, thanh tra pháp chế tại Trung tâm Thí nghiệm điện.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân nghèo tại con hẻm đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TPHCM, từ nhỏ chị Chung Thị Ngọc Hương đã phải theo ba ra đầu ngõ sửa xe. Máy móc, dầu mỡ… đã quyện chặt trên đôi bàn tay của chị. Mặc dù cuộc sống phải bươn trải từ sớm, nhưng chị rất ham học. Tuy nhiên, vận may đã không mỉm cười khi chị hai lần thi vào khoa Điện Đại học Bách khoa TPHCM không đỗ. Không nản lòng, với ước mơ được tìm hiểu về hệ thống điện, năm 1991, chị theo học lớp Phát dẫn của trường Trung cấp điện Hóc Môn (thuộc Công ty Điện lực 2). Sau khi tốt nghiệp, chị được phân công công tác tại Xí nghiệp Điện kế (EVN HCMC), đảm nhiệm công việc kiểm định điện kế 1 pha và 3 pha.
Cuộc sống luôn có những ngã rẽ bất ngờ, và điều bất ngờ nhất với chị Ngọc Hương là trong một lần cùng các cựu chiến binh tại địa phương làm báo cáo hoạt động Đảng, công tác cựu chiến binh của phường… chị tình cờ đọc các tài liệu và được nghe giảng về chủ trương của Đảng, Nhà nước. Từ đó, bên cạnh niềm say mê dành cho máy móc và các dụng cụ thí nghiệm điện, chị Ngọc Hương còn tìm đọc sách báo của Đảng như: Tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân, đặc biệt là sách Hồ Chí Minh toàn tập. Ngoài số tiền chi tiêu hàng ngày, đồng lương ít ỏi còn lại của một công nhân điện được chị dành dụm để mua các tài liệu này bởi như chị chia sẻ: “Từ trước đến giờ, tôi làm các công việc thuần túy theo lệnh của tổ trưởng, nhưng từ khi đọc các bài viết của Người khiến tôi có cái nhìn tổng quát hơn, biết cách phân tích, tổng hợp, đánh giá sự việc. Không biết từ khi nào “Hồ Chí Minh toàn tập” đã trở thành cuốn sách yêu thích nhất của tôi. Những bài học về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khiến tôi không ngừng rèn luyện bản thân, tu dưỡng phấn đấu…”. Chị chỉ cho tôi xem góc làm việc đơn sơ, nhưng đầy ắp những sách báo, tư liệu về Đảng về Bác, đặc biệt là 12 cuốn “Hồ Chí Minh toàn tập” được xếp ngăn nắp và 4 câu thơ trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” của Người mà chị cẩn thận ép plastic, đóng khung trên tường:
“Người siêng năng thì mau tiến bộ
Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no
Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh
Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”.
Thấm nhuần ý nghĩa lời dạy của Bác, trong cuộc sống, công việc, chị Ngọc Hương không quản ngại khó khăn, vừa học, vừa làm, thi đỗ hệ tại chức Trường Đại học luật TP Hồ Chí Minh. Với những kiến thức luật thu nhận được, dù đảm nhận nhiệm vụ kiểm định công tơ, nhưng chị luôn năng nổ, đóng góp ý kiến vào việc soạn thảo văn bản, cũng như trong các vụ việc liên quan đến hành chính, pháp luật của Trung tâm Thí nghiệm điện. Đó cũng là sự thể hiện trách nhiệm trong tập thể “một người vì mọi người” mà chị luôn tâm niệm. Những nỗ lực không ngừng của chị đã được lãnh đạo và các đồng nghiệp ghi nhận. Sau khi tốt nghiệp ĐH Luật TP Hồ Chí Minh năm 1999, chị Ngọc Hương được điều động về Phòng thanh tra pháp chế EVN HCMC. Đến tháng 10/2008, chị chuyển về Phòng HCTH, phụ trách báo cáo, công tác thi đua tuyên truyền và thanh tra pháp chế tại Trung tâm Thí nghiệm điện.
…Đến việc nhỏ - ý nghĩa lớn
Với niềm say mê tìm hiểu về Đảng, về Bác, ngay khi Đảng uỷ Tổng công ty phát động cuộc thi viết về nhận thức và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chị Chung Thị Ngọc Hương đã tình nguyện tham gia. Ngoài những tài liệu đã có, chị còn thường xuyên vào mạng internet, trực tiếp gặp gỡ các nhà nghiên cứu lịch sử để có được những nguồn tư liệu quý báu. Nhiều tấm ảnh quý không tìm được trên internet, chị phải đến bảo tàng, thư viện mượn đi scan, bổ sung vào bài viết. Vì thế, mỗi bài dự thi của chị thường dày hàng trăm trang như một kho tư liệu khổng lồ với đầy đủ các nguồn tư liệu trích dẫn từ sách báo, tranh ảnh, và ý kiến của các nhà khoa học… Chị tâm sự: “Mỗi lần tham gia các cuộc thi về Bác, tôi như được soi lại mình, để một lần nữa nhìn nhận lại bản thân và tiếp tục phấn đấu”.
“Ngoài công tác thực tế, cần trang bị thêm lý luận. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”, thấm nhuần tư tưởng này của Người, nhưng “Làm sao để áp dụng những lý thuyết đã thu lượm được vào thực tế công việc khi bản thân chỉ là một cá nhân nhỏ bé, lại là “lính mới” ở Phòng HCTH?” - chị đã từng tự nhủ như vậy. Hạnh phúc với chị là được ở trong một tập thể đồng lòng, đoàn kết, chính vì thế những biện pháp “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí” mà chị đề xuất đã được lãnh đạo và các đồng nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều biện pháp được thực hiện tại đơn vị đã mang lại hiệu quả như: Tận dụng ánh sáng mặt trời, chỉ mở máy tính khi có công tác liên quan, tắt máy lạnh trước 45 phút khi hết giờ làm việc, gắn thêm thông gió tạo không khí trong lành cho nơi làm việc, tiết kiệm văn phòng phẩm (giấy, mực in, máy photo) bằng cách trao đổi thông tin qua Protal và outlook...
Ngoài ra, khi thực hiện tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, các phòng thí nghiệm tại Trung tâm Thí nghiệm điện phải đảm bảo nhiều yếu tố trong đó có yêu cầu nhiệt độ là 25˚C. Điều kiện trên khiến Trung tâm phải trang bị thêm nhiều máy lạnh công suất lớn nhằm đảm bảo nhiệt độ cho phòng thí nghiệm công tơ 1 pha, 3 pha và kiểm định hiệu chuẩn máy biến dòng (TI), biến áp đo lường (TU), hiệu chuẩn điện trở mẫu… Chị Chung Thị Ngọc Hương đã đề xuất với đơn vị hạ trần, ngăn vách để tăng ánh sáng và tăng độ lạnh… giúp đơn vị tiết kiệm hàng triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Một trong những điều mà chị Ngọc Hương tâm đắc trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là chống lãng phí sức lao động, lãng phí thời giờ, “tiêu xài không hợp lý nhiều khi còn hại hơn tội tham ô”. Chính vì thế, chị đã đi đầu và vận động các đồng nghiệp trong phòng sửa đổi lề lối làm việc, tuân thủ nội quy lao động, nội quy đơn vị, không đi trễ về sớm, không dùng điện thoại cơ quan vào việc riêng, tham dự các buổi họp đúng giờ, không sử dụng máy vi tính phục vụ cho mục đích cá nhân… Những việc làm tuy nhỏ, nhưng góp phần thúc đẩy năng suất và chất lượng công việc trong phòng HCTH luôn dẫn đầu so với các phòng, ban khác ở Trung tâm.
Và ước mong được đứng trong hàng ngũ của Đảng...
Bên cạnh việc tham gia đầy đủ, nhiệt tình các hoạt động do Đảng, Công Đoàn Trung tâm tổ chức, chị Ngọc Hương còn tích cực thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương và là một thành viên đắc lực trong đội trợ giúp pháp lý của phường và quận. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, mỗi tháng chị đều dành một phần tiền lương để làm từ thiện, bởi theo chị mỗi người tương trợ một ít sẽ “tích tiểu thành đại”, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Đặc biệt, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần đến trợ giúp pháp lý, chị luôn giúp đỡ nhiệt tình mà không cần một sự đền đáp nào, bởi: “Trải qua các khó khăn, được tập thể giúp đỡ, nên giờ tôi càng thấu hiểu và thấy cần tương trợ những người kém may mắn hơn mình” - chị tâm sự. Dù rằng hoàn cảnh gia đình riêng của chị còn nhiều vất vả (hiện ba chị đã mất, mẹ về hưu, bản thân chị tối về còn phải đi gọt nhựa cho xưởng ở gần nhà để phụ giúp gia đình). Ước mong lớn nhất của chị là được đứng trong hàng ngũ của Đảng để cùng các anh em khác làm được nhiều việc có ích hơn cho xã hội.
Chia tay chị Ngọc Hương, tạm biệt khu phố nghèo của những người lao động nơi có căn nhà nhỏ mà chị cùng má và anh trai sinh sống, nhưng hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ, dành trọn tình yêu, niềm say mê tuổi trẻ cho công việc và các tư liệu về Bác đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm. Tin rằng, với tâm nguyện và những gì đã đóng góp, ước muốn được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam của chị Chung Thị Ngọc Hương sẽ thành hiện thực vào một ngày không xa…