Quản lý năng lượng

Người tiêu dùng học cách tiết kiệm điện

Thứ ba, 3/12/2019 | 08:30 GMT+7
Chiều ngày 2/12, tại Bình Dương, hơn 250 người tiêu dùng của các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tham gia buổi tập huấn về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Toạ đàm do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức.
nguoi tieu dung hoc cach su dung dien tiet kiem va hieu qua
Chuyên gia của EVN truyền đạt thông tin về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả - Ảnh Thế Vĩnh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết, chương trình tiết kiệm điện là mục tiêu quốc gia, hiện nay đang được ngành điện, các công sở, hội đoàn và cộng đồng tham gia thực hiện. Buổi toạ đàm này nhằm giúp cho người dân khu vực miền Đông Nam bộ có cái nhìn thiết thực về việc tiết kiệm điện trong sinh hoạt và áp dụng trong cuộc sống.
 
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc EVNSPC - cho hay, trong giai đoạn 2016-2018, tính đến cuối năm 2018, công suất cực đại trên địa bàn 21 tình thành do EVNSPC quản lý là 10.430 MW. Từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực miền Nam phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiệt độ trung bình cao hơn bình thường từ 1 đến 3 độ C và công suất cực đại lên tới 11.406MW, tăng 9,3% so với cùng kỳ; trong khi các nhà máy điện đưa vào vận hành chậm so với kế hoạch nên việc cung cấp điện trở nên khó khăn hơn.
 
Vì vậy công tác tổ chức chương tình tiết kiện điện và sử dụng điện hiệu quả đang được các đơn vị điện lực thực hiện quyết liệt tại nhiều địa phương, nhờ đó một lượng điện lớn đã tiết kiệm được. “Chỉ tính năm 2018, tỉnh Bình Dương tiết kiệm được hơn 220 triệu kWh điện, tương đương với 350 tỷ đồng, góp phần cùng 21 tỉnh thành phía Nam tiết kiệm hơn 1.412 triệu kWh, tương đương với 2.300 tỷ đồng”, ông Lý chia sẻ thêm.
 
nguoi tieu dung hoc cach su dung dien tiet kiem va hieu qua
Một công trình điện mặt trời áp mái do Công ty TNHH Kỹ Thuật Đạt lắp đặt cho khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh

Ông Bùi Việt Phương- Trưởng bộ phận Maketing Công ty TNHH Kỹ Thuật Đạt (TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, tính đến hết tháng 11/2019, công ty đã chuyển giao, lắp đặt được cho hơn 2.000 khách hàng sử dụng điện mặt trời áp mái, tổng công suất khoảng 30 MW. Nhu cầu sử dụng điện mặt trời áp mái của người dân, doanh nghiệp, nhất là khu vực miền Nam ngày càng tăng, nguyên nhân do nguồn điện ngày càng giảm, giá điện tăng, trong khi chi phí đầu tư thiết bị điện mặt trời đã giảm rất nhiều so với trước đây.
 
Cụ thể, nếu như ba năm trước, mức đầu tư khoảng 25-30 triệu đồng/kWp, nhưng hiện nay phổ biến là 18-20 triệu đồng/kWp. Đối với gói đầu tư lớn, giá còn giảm nữa, chỉ còn khoảng 15-16 triệu đồng/kWp. Điện mặt trời áp mái tăng rất mạnh trong hai năm gần đây, tuy nhiên theo ông Phương, từ tháng 7/2019 đến nay, mức độ đầu tư của người tiêu dùng có chậm lại, nguyên nhân là các chủ đầu tư đang chờ nhà nước ban hành giá điện mới.
 
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty Năng Lượng Xanh (GEE) - cho biết, từ đầu năm đến nay công ty đã thực hiện chuyển giao thiết bị điện mặt trời áp mái cho hơn 100 khách hàng. Thiết bị điện mặt trời áp mái công ty đều nhập khẩu các thương hiệu từ Anh, Đức, đạt tiêu chuẩn G7 và EU. Theo ông Tiến, trên thị trường hiện nay, khá nhiều loại thiết bị điện mặt trời áp mái nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chủ yếu là hàng Trung Quốc. Vì vậy, khách hàng nên chọn sản phẩm nhập khẩu chính hãng, có ghi rõ nước sản xuất do các doanh nghiệp uy tín trong nước nhập khẩu để đảm bảo chất lượng và có chế độ hậu mãi rõ ràng từ trung tâm bảo hành.
 
Hơn 250 người tiêu dùng đến từ Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia buổi toạ đàm và hầu hết mọi người đều hào hứng về chương trình như thay thế thiết bị như thế nào để tiết kiệm điện, sử dụng điện đúng cách, lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái… do các chuyên gia trình bày.
 
Bà Trần Thị Liên, ngụ tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, khi nghe các chuyên gia nói về ý nghĩa của việc tiết kiệm điện và hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm, công việc cần làm ngay là về nhà thay toàn bộ các thiết bị xài hao điện mà lâu nay vẫn dùng.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương