Tin trong nước

Nguồn năng lượng cho nền công nghiệp phát triển

Thứ hai, 6/7/2015 | 15:01 GMT+7
Với vai trò là động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, ngành điện miền Nam đang mang lại cho nơi đây nguồn năng lượng mới cho nền công nghiệp phát triển.

Công nhân Điện lực Bình Dương đang tiến hành lắp đặt lưới điện.
 
PC Đồng Nai chắp cánh cho cánh chim đầu đàn của công nghiệp phía Nam
 
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển khu công nghiệp (KCN) mạnh cả về số lượng, khả năng thu hút vốn đầu tư nước với nhiều dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD như Formosa – Đài Loan, Vedan – Singapore & Đài Loan, Hualon – Malaysia & Đài Loan, Fujitsu – N hật Bản… Khu vực kinh tế công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, tạo nguồn thu ngân sách lớn, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
 
Thế nhưng để đưa Đồng Nai từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với vài KCN lèo tèo để vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các KCN; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,8%/năm... là cả một nỗ lực vượt bậc của Nhân dân và chính quyền vùng đất này. Trong đó, không thể không nhắc đến sự đồng hành quan trọng của ngành Điện, mà được ví như nguồn cung cấp “máu” cho mọi hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp.
 
Là một trong những doanh nghiệp có mặt đầu tiên trên đất Biên Hòa- Đồng Nai, đồng thời cũng là doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn thứ 2 của cả tỉnh, Công ty Hóa chất Biên Hòa đã cùng đồng hành và trở thành một minh chứng cho những nỗ lực phát triển công nghiệp nói chung và ngành điện nói riêng ở Đồng Nai.
 
Theo ông Trần Văn Trách - Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty Hóa chất Biên Hòa, công ty của ông chuyên sản xuất sút và clo, nếu không có điện thì không sản xuất được. Vào những năm 1997 – 1998, nguồn điện cung cấp cho các KCN Biên Hòa rất thiếu thốn; việc cắt điện 1 ngày 4 – 5 lần là chuyện thường. Sau nhiều nỗ lực của ngành Điện, từ năm 2000 đến nay tình hình cung cấp điện được cải thiện dần. Thời gian cúp điện đều được báo trước, mà chủ yếu là để bảo trì, một năm chừng 1- 2 lần.
 
Từ những dây chuyền sản xuất cũ kỹ ban đầu, nhà máy hóa chất Biên Hòa dần nâng cấp dây chuyền sản xuất, liên tục đổi mới công nghệ và tăng công suất từ vài trăm tấn xút/năm lên con số vài ngàn. Đến nay, nhà máy đã ứng dụng dây chuyền sản xuất và quản lý với công nghệ hiện đại thế giới, có công suất lên đến 30.000 tấn xút/năm, tăng gấp 6 lần so với 15 năm trước. Chi phí cho điện năng cũng tăng từ con số 20 tỷ vào năm 2000 lên 110 tỷ ở thời điểm hiện tại, với mức tiêu hao đến 84 triệu kWh/năm. Nhờ vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các KCN, đặc biệt là sự đảm bảo về cung cấp điện năng, đã giúp các doanh nghiệp ở Đồng Nai yên tâm mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người lao động bằng những quy trình tự động hóa hiện đại và an toàn. 
 
Để đảm bảo hoạt động sản xuất được trôi chảy, nguồn năng lượng cung cấp để vận hành máy móc chính là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt với những ngành công nghiệp đòi hỏi mức độ tự động hóa cao. Vì chỉ cần một sự cố ngắt điện trong tích tắc, toàn bộ dây chuyền sẽ ngưng trệ và phải mất nhiều thời gian để khởi động lại. Nếu xét trên quy mô KCN, những sự cố mất điện có thể gây thiệt hại khổng lồ cho doanh nghiệp. Đó cũng chính là tiền đề để các KCN mới ở Đồng Nai tập trung vào việc xây dựng một cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ giữa hạ tầng bên ngoài và bên trong KCN, để biến đó thành yếu tố thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này có thể thấy rõ từ các KCN hiện đại đang phát triển gần đây của Đồng Nai như Long Thành, Long Bình, Amata...
 
Ông Toshio Kazama - Tổng Giám đốc Công ty TNHH phát triển KCN Long Bình cho biết: “Nguồn cung cấp điện cũng quan trọng như trái tim trong cơ thể của mỗi người vậy. Khi sự cố điện xảy ra, sẽ dẫn đến cắt điện và các khách hàng của chúng tôi không thể sản xuất được. Rất may mắn ở Đồng Nai chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành Điện. Mỗi khi có sự cố xảy ra, chúng tôi đều được cung cấp điện từ một nguồn dự phòng khác cung cấp thẳng đến khách hàng, đó cũng là lợi ích cho khách hàng nói chung và ban quản lý KCN nói riêng của chúng tôi”. 
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của ngành công nghiệp, ngành điện Đồng Nai đã phải có những chiến lược cụ thể theo từng giai đoạn. Tính riêng từ năm 2010 đến nay, đã có thêm 20 trạm biến áp 110kV được đầu tư xây dựng riêng trong các KCN cùng hàng trăm km đường dây trung thế với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Con số này sẽ còn tăng nhanh với các dự án đầu tư trong tương lai, nhưng đó là mức đầu tư xứng đáng để ngành Điện có thể hoàn thành vai trò nắm giữ nhịp đập của ngành công nghiệp, góp phần vào sự đổi thay diện mạo của vùng đất này về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội... xứng tầm là cánh chim đầu đàn của công nghiệp phía Nam.
 
Bình Dương “lột xác” nhờ điện
 
Chứng kiến sự vận hành đầy chuyên nghiệp của cả một hệ thống các khu - cụm CN với cơ sở hạ tầng hiện đại như hiện nay, ít ai mường tượng được rằng, khoảng hai mươi năm trước, Bình Dương vẫn còn là một tỉnh thuần nông. Với dân số chỉ bằng một quận vùng ven của TP.HCM và gần như hoàn toàn không có cơ sở hạ tầng về công nghiệp, Bình Dương đã tạo nên sự bức phá ngoạn mục khi trở thành một tỉnh công nghiệp hóa năng động, với tỷ trọng công nghiệp chiếm đến 62% GDP cả tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động địa phương và nhập cư. 
 
Tìm hiểu về khả năng thu hút đầu tư đặc biệt của Bình Dương, chúng tôi đến thăm các KCN đã được lấp đầy như Sóng Thần, VSIP. Môi trường đầu tư với thủ tục hành chính được cải cách thông thoáng, hệ thống đường sá giao thông đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ được đầu tư hoàn chỉnh... chính là ưu thế giúp Bình Dương sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Trong đó, không thể thiếu vai trò đảm bảo điện năng quan trọng của những hệ thống hạ tầng bền vững với các đường lưới điện, trạm biến áp công suất lớn được đầu tư tại các KCN.  
 
Ông Võ Thiện Trường - Trưởng ban quản lý điện VSIP cho biết, điện cung cấp cũng như trục xương sống cho các ngành sản xuất vậy, không có điện thì thì mọi hoạt động sản xuất đều đình trệ. Điện KCN được cung cấp từ lưới điện 110kV quốc gia cho 2 trạm 110 của VSIP, phát triển lưới 22kV để cung cấp cho khách hàng trong KCN. Nhu cầu điện khá cao, hàng năm tổng sản lượng bình quân khoảng 600 triệu KWh.
 
Chính những chiến lược đầu tư mang tính bền vững, phục vụ tốt mọi nhu cầu của doanh nghiệp đã giúp Bình Dương luôn đảm bảo tốc độ tăng trưởng công nghiệp từ 15 – 20%/năm và đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư công nghiệp, với các nhà đầu tư khó tính đến từ Mỹ, Nhật, Singapore... Từ một khu công nghiệp Sóng Thần đầu tiên năm 1995, Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với diện tích gần 10 nghìn ha, thu hút gần 1000 doanh nghiệp đầu tư sản xuất. 
 
Không chỉ thu hút đầu tư theo chiều rộng, Bình Dương đang tập trung phát triển về chiều sâu với những KCN ngày càng hiện đại, giúp các doanh nghiệp an tâm khi cần đầu tư với quy mô lớn và dây chuyền sản xuất công nghệ cao. Nằm trong KCN Mỹ Phước ở Bến Cát, Bình Dương, nhà máy sữa Việt Nam Vinamilk là một minh chứng cho sự phát triển về chiều sâu này. 
 
Ông Lý Tuấn Dũng – Giám đốc kỹ thuật Nhà máy sữa Việt Nam Vinamilk chia sẻ: “Nhà máy tiêu thụ điện năng rất lớn với tổng công suất trên 8400kVA. Có 3 tổ biến áp và máy phát điện dự phòng với yêu cầu ngặt nghèo: Dao động điện áp chỉ trong +- 5V, sử dụng cấp điện áp 380V và 400V; cung cấp liên tục, chỉ cần gián đoạn 1/100s thì quy trình công nghệ sẽ dừng lại, theo yêu cầu công nghệ phải tiến hành lại từ khâu đầu tiên, gây tổn hại rất lớn. Nhưng với nguồn điện cung cấp khá ổn định và sự phối hợp chặt chẽ của ngành ngành Điện, Nhà máy luôn đạt hiệu quả kinh tế cao”.
 
Từ một tỉnh tái lập muộn và thuần nông, với những chính sách đầu tư đúng đắn và hợp lý, Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi diện mạo của mình thành một địa phương năng động về công nghiệp và kinh tế. Nếu không có một trái tim mang nguồn năng lượng ấm nóng mạnh mẽ của ngành Điện, giữ vai trò huyết mạch đảm bảo duy trì hoạt động cho mọi quá trình sản xuất, có lẽ công nghiệp Bình Dương khó mà đạt được những thành tựu ngoạn mục như hiện nay. 
 
 
Mai Hoa/Icon.com.vn