Tin trong nước

Thủy điện Lai Châu: Hoàn thành cơ bản di dân tái định cư

Thứ ba, 30/6/2015 | 14:40 GMT+7
Ban quản lý Dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Lai Châu đã được di chuyển đến các khu tái định cư, bắt đầu một cuộc sống mới.

Người dân được quyền lựa chọn hình thức ngôi nhà ở khu tái định cư.
 
Hoàn tất di chuyển
 
Theo thống kê của Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu, số hộ dân của tỉnh Lai Châu trực tiếp bị ảnh hưởng bởi công trình Thủy điện Lai Châu là 2.004 hộ, hầu hết nằm ở hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè.
 
Ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng phòng Tái định cư, Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu - cho biết, tính đến 1/6/2015, toàn bộ các hộ gia đình bị ảnh hưởng đã được di chuyển đến 18 khu tái định cư mới.
 
Các khu tái định cư đều được đầu tư xây dựng hạ tầng mới từ đường giao thông, công trình cấp điện, hệ thống thủy lợi phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung của vùng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt và các công trình công cộng khác như trường học, nhà văn hóa, UBND một số xã...
 
Ông Vàng Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn), đồng thời cũng là cư dân ở điểm tái định cư số 1 - chia sẻ,  bản Giẳng trước đây có hơn 700 hộ, xấp xỉ 5.000 nhân khẩu, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa nước, ngô, sắn và chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7-8 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của bà con có nhiều thay đổi, tinh thần rất thoải mái. Đường sá đi lại  thuận lợi hơn, có điện, nước đầy đủ phục vụ cho sinh hoạt. Nhiều gia đình còn mua sắm được tivi, xe máy, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất như máy cầy, bừa, máy tuốt lúa; trẻ con được học hành trong cơ sở mới, đầy đủ hơn.
 
Tiếp tục hỗ trợ
 
Theo ông Quyết, chính sách bồi thường của nhà nước căn cứ vào tình hình thực tế của từng hộ gia đình trước khi chuyển đi. Các hộ dân có đất đai, nhà cửa, đất canh tác phải di dời đều được đền bù với giá trị tương đương. Ngoài cấp đất tự xây nhà, cấp đất sản xuất, hỗ trợ di chuyển, bồi thường… các hộ còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm cho sinh hoạt trong 4 năm. Ngoài ra, diện tích của các hộ gia đình còn lại ở các vùng đất không bị ảnh hưởng ngập vẫn được quyền khai thác sản xuất.
 
Còn theo ông Tuấn, mặc dù công tác tái định cư di dân được giao cho UBND tỉnh Lai Châu thực hiện nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương nhằm hỗ trợ cho bà con khu tái định cư sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ở các khu tái định cư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình xuống cấp, hư hỏng do thiên tai, bão lụt (nếu có).
 
Vấn đề còn lại là chính quyền địa phương phải tạo được quỹ đất sản xuất cho người dân, cấp nước sản xuất..., thực hiện chính sách khuyến công, khuyến nông hiệu quả trên cơ sở kết hợp, lồng ghép với nhiều chương trình khác như 30a... Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận việc tạo quỹ đất đang là một thách thức rất lớn vì địa hình phức tạp, dốc, chia cắt; chất lượng đất không tốt nên phải cải tạo rất nhiều mới sử dụng được.

Ông Vàng Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn - Lai Châu):
 
Đề nghị nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển quỹ đất sản xuất canh tác, tạo điều kiện cho dân khai hoang đất để tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình.
 
Theo: Báo Công thương