Đập thủy điện Ba Hạ
Cụ thể, nhu cầu giải ngân vốn vay tín dụng thương mại trong nước từ nay đến cuối năm cho 10 dự án thuỷ điện như Bản Vẽ, Buôn Kuốp, Srepok 3, Sông Tranh 2, SeSan 4, A Vương, An Khê-KaNak, Sông Ba Hạ, Đồng Nai 3&4 và dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1còn 2.868 tỷ đồng, nhưng đến nay nhiều ngân hàng thương mại ngừng giải ngân do thiếu tính thanh khoản.
Bên cạnh đó 3.938 tỷ đồng vốn tín dụng trong nước cũng có nguy cơ không giải ngân được.
Giữa tháng 6 vừa qua, EVN đã làm việc với 4 ngân hàng là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đảm bảo giải ngân các Hợp đồng tín dụng đã ký cho các dự án điện đang thi công.
Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định nguồn vốn hiện nay rất eo hẹp và đề nghị EVN giãn tiến độ thi công, chỉ ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm. Các ngân hàng cũng chưa cho biết mức vốn cụ thể có thể giải ngân từ nay đến cuối năm, và đồng loạt đề nghị EVN tăng lãi suất vay.
Theo EVN, toàn bộ số vốn vay tín dụng trên nếu không giải ngân được đồng nghĩa với việc tiến độ của 10 dự án thuỷ điện với tổng công suất 2.443 MW, tương đương với gần 11 tỷ kWh điện/năm sẽ bị lùi tối thiểu 1 năm.
Mặt khác, Tập đoàn cũng sẽ không đủ khả năng triển khai tiếp các dự án Huội Quảng-Bản Chát (780 MW) và việc lùi tiến độ ít nhất 1 đến 2 năm các dự án này, sẽ làm thiếu hụt trên 3 tỷ kWh điện /năm.
Ngoài vốn vay tín dụng trong nước, khả năng thiếu vốn vay nước ngoài để triển khai các dự án điện cũng lên mức gần 1.108,6 tỷ đồng (chưa kể 2 dự án Hải Phòng 2 và Quảng Ninh 2).
Trước tình hình này, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo giải ngân cho các dự án điện đang thi công theo các Hợp đồng tín dụng đã ký.
Đây là yếu tố quan trọng nhất hiện nay để không làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, gây hậu qủa nghiêm trọng đến việc đảm bảo điện năm 2008, 2009 và các năm sau.