Nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án truyền tải

Chủ nhật, 16/1/2022 | 14:04 GMT+7
Năm 2021 là năm hết sức khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn của các đợt dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến việc đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải gặp rất nhiều bất lợi, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. 

Giám đốc CPMB Nguyễn Đức Tuyển.
 
Mặc dù vậy, Ban QLDA các công trình điện Miền Trung (CPMB) đã cố gắng thực hiện 3.810,94 tỷ đồng vốn đầu tư và giải ngân 3.881,14 tỷ đồng, hai chỉ tiêu này đều đạt so với kế hoạch điều chỉnh. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB xung quanh các nội dung này.
 
Phóng viên (PV) : Xin ông đánh giá những khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án đầu tư năm 2021, nhất là công tác giải phóng mặt bằng? 
 
Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển: Năm 2021, trong khó khăn của dịch bệnh chúng tôi cố gắng thực hiện 3.810,94 tỷ đồng vốn đầu tư và giải ngân 3.881,14 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều đạt so với kế hoạch điều chỉnh. Theo đó chúng tôi đã khởi công 10 dự án và đóng điện 16 dự án.
 
Còn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), tôi cho rằng trong năm 2021 vẫn còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến các dự án đã triển khai.
 
Cụ thể như do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên chúng tôi không thể tiếp cận các đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục về BTGPMB cũng như làm việc với các hộ dân để giải quyết vướng mắc liên quan.
 
Bên cạnh đó, các địa phương chưa thực sự quyết liệt để vào cuộc giải quyết BTGPMB cũng như xử lý nhưng vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm chậm trễ tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
 
Trong khi việc quản lý đất đai tại nhiều địa phương còn bất cập dẫn đến vướng mắc khi xét duyệt nguồn gốc đất, thời điểm tạo lập tài sản nên việc lập và phê duyệt phương án bồi thường kéo dài, thì do việc mua bán không qua chính quyền địa phương nên hồ sơ đo đạc giải thửa còn nhiều sai sót so với thực tế về nội dung, số liệu và chủ tài sản. 
 
Một vướng mắc nữa là các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn BTGPMB còn chưa đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế dẫn đến vướng mắc, khiếu kiện và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Đồng thời thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đòi hỏi qua nhiều cấp và cần nhiều thời gian giải quyết. Phạm vi công việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lại liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều cấp để kiểm tra, rà soát với thời gian kéo dài.
 
Các dự án trong quá trình triển khai ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn bị ảnh hưởng tiến độ do các cơn bão lớn, mưa to và lũ lụt kéo dài gây khó khăn cho công tác thi công. 
 
Ngoài ra, việc bồi thường đối với đất mượn tạm thời và tài sản bị ảnh hưởng trên đất mượn để phục vụ thi công xây dựng công trình gặp khó khăn do hộ dân thường yêu cầu chi phí quá cao dẫn đến mất rất nhiều thời gian để thương lượng, vận động, làm chậm tiến độ thi công. Mặt khác, thái độ của người dân còn chưa tích cực thực hiện, đôi khi còn có tính chất chống đối với mục đích vụ lợi. 
 
PV: Năm 2021, tiếp tục là năm đầy khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện. Xin ông đánh giá những dự án trọng điểm nổi bật, góp phần tăng năng lực hệ thống truyền tải điện trong những năm tới và giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực?
 
Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển: Đúng vậy, năm 2021 là năm hết sức khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn của các đợt dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã làm cho công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải gặp rất nhiều bất lợi. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), tập thể CPMB đã phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, tổ chức thi công xây lắp và đóng điện thành công 16 dự án, góp phần tăng năng lực hệ thống truyền tải điện trong những năm tới và giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo. 
 
Trong đó phải kể đến các dự án tiêu biểu như: Đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi-Pleiku 2 giúp tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia. góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, đảm bảo điện cho các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai và phụ cận. Các dự án giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo như: Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo. Các dự án giải tỏa nguồn BOT Nhà máy điện Nghi Sơn 2: Đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia, trạm biến áp 500kV Nghi Sơn giai đoạn 2. Các dự án nâng cao năng lực truyền tải như: Nâng công suất Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, đặc biệt là dự án vướng mắc kéo dài đường dây 220kV Quảng Ngãi - Phù Mỹ sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.
 
PV: Là đơn vị thay mặt EVNNPT quản lý đầu tư công trình trọng điểm quốc gia đường dây 500kV Bắc Nam mạch 3, góp phần khắc phục nguy cơ sự cố trên các đường dây truyền tải Bắc Nam, tạo điều kiện vận hành  kinh tế hệ thống điện sau năm 2025, CPMB nhận thức vai trò và trách nhiệm như thế nào để vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành công trình này, thưa ông? 
 
Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển: Việc đầu tư đưa vào vận hành công trình trọng điểm quốc gia đường dây 500kV Bắc Nam mạch 3 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia. Dự án góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng, đồng thời tối ưu hóa sản xuất - truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện Quốc gia. 
 
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng trên, với vai trò và trách nhiệm được EVNNPT tin tưởng giao trọng trách quản lý dự án từ giai đoạn khảo sát sơ bộ lập dự án đầu tư đến giai đoạn thi công, nghiệm thu đưa công trình vào vận hành, CPMB luôn nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực cũng như các bài học kinh nghiệm từ các công trình trước đây để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong từng giai đoạn của công trình như: Chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng và nghiệm thu đóng điện đưa công trình vào vận hành. 
 
Trong quá trình thực hiện đầu tư công trình, mặc dù đối mặt rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong từng giai đoạn thực hiện như: Các thủ tục pháp lý về rừng tự nhiên, đền bù giải phóng mặt bằng, thời tiết cực đoan và tình hình dịch COVID-19 kéo dài, nhưng CPMB luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn nỗ lực và tìm mọi giải pháp phù hợp với tình hình thực tế cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ của cấp trên, các cấp chính quyền địa phương để điều hành công trình hoàn thành theo tiến độ sớm nhất có thể. 
 
Đến nay đoạn tuyến đường dây 500kV Dốc Sỏi-Pleiku2 đã được đóng điện đưa vào vận hành từ tháng 6/2021, các đoạn tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi, đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng, dự kiến sẽ đóng điện và đưa vào vận hành trong quý I năm 2022.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Mai Phương