Ông Lý Ngọc Khánh- Phó Giám đốc NPTPMB.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lý Ngọc Khánh, Phó giám đốc NPTPMB xung quanh việc triển khai các dự án này; trong đó có việc triển khai có hiệu quả bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Phóng viên (PV): Xin ông đánh giá những khó khăn và thuận lợi của NPTPMB trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trong năm 2021?
Phó Giám đốc Lý Ngọc Khánh: Bước vào năm 2021, NPTPMB gặp một số khó khăn, thách thức như: Số lượng lao động còn rất ít so với yêu cầu về khối lượng công việc được giao; Trụ sở Ban vẫn phải đi thuê với diện tích hạn chế, trang thiết bị văn phòng còn thiếu… Với đặc thù dự án của NPTPMB chủ yếu là cải tạo mở rộng, nâng cấp, nâng công suất, nâng khả năng tải có quy mô nhỏ, giá trị thấp và trải rộng trên cả nước, cùng với tính chất kỹ thuật phức tạp do phải kết nối vào hệ thống đang vận hành gây khó khăn trong việc cắt điện và đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 từ đầu năm, đặc biệt bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 kéo dài đến hết năm đã làm gián đoạn rất nhiều công việc trong quá trình triển khai dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến thi công và đóng điện vận hành dự án; Ảnh hưởng đến việc cung cấp thiết bị trong quá trình vận chuyển đến công trình khi đi qua các địa phương có giãn cách xã hội; Tăng chi phí phát sinh để ứng phó với dịch tại hiện trường các dự án. Đặc biệt là các công việc liên quan đến thỏa thuận với địa phương, tổ chức, cá nhân về bồi thường giải phóng mặt bằng, các thỏa thuận về phòng cháy chữa cháy và môi trường.
Vượt qua mọi khó khăn, thách thức này, trong năm 2021, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, sâu sát và quyết liệt của Tổng Công ty cùng sự phối hợp của các đối tác nhà thầu, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực hết sức mình của CBCNV trong Ban đã góp phần giúp NPTPMB hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ EVNNPT giao.
PV: Năm 2021, tiếp tục là năm đầy khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, nhất là trong giai đoạn nhiều tỉnh thành phải tập trung phòng chống dịch. Xin ông đánh giá những dự án trọng điểm nổi bật mà NPTPMB đã hoàn thành trong năm, góp phần tăng năng lực hệ thống truyền tải điện trong những năm tới?
Phó Giám đốc Lý Ngọc Khánh: Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các hoạt động đầu tư xây dựng của NPTPMB, nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng và đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án lưới điện, chúng tôi đã thực hiện giá trị khối lượng đầu tư gần 625,1 tỷ đồng, đạt 86% và giá trị giải ngân là 602,849 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch giao từ đầu năm.
Trong năm chúng tôi đã khởi công được 18/16 dự án; trong đó có 16 dự án trong kế hoạch và 2 dự án ngoài kế hoạch Trong các dự án khởi công năm 2021 có những dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như Treo dây mạch 2 đường dây 220kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi, nâng công suất các trạm biến áp (TBA) 500kV Lai Châu, TBA 220kV Sơn Hà, TBA 220kV Ngũ Hành Sơn...
Bên cạnh đó, chúng tôi hoàn thành đóng điện 7/6 dự án; trong đó có 5 dự án được giao từ đầu năm và 2 dự án ngoài kế hoạch. Trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như các dự án nâng công suất TBA 220KV Sơn Hà, TBA 220kV Huế, TBA 220kV Sóc Trăng, TBA 220kV Tuyên Quang; Lắp máy 2 TBA 220kV Thanh Nghị...
PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công khi đảm nhiệm các công trình có ý nghĩa này, nhất là trong giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng?
Phó Giám đốc Lý Ngọc Khánh: Thực tế, giải phóng mặt bằng là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian, liên quan đến cuộc sống người dân có nhà, có đất bị giải tỏa. Trở ngại này thường dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài, dù nhiều khi chỉ một vài trường hợp. Có trường hợp chậm giải tỏa, kéo dài nhiều năm, thậm chí có điểm không giải tỏa được dẫn đến hạ tầng không đồng bộ.
Tôi cho rằng khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thì bồi thường cho người dân bị thiệt hại sao cho phù hợp và theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ bồi thường như thế nào, cụ thể là số tiền được nhận, phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng pháp lý nhà đất bị giải tỏa. Ngoài ra, giá bồi thường thấp so với giá thực tế thị trường và chính quyền địa phương nhiều nơi tổ chức thực hiện chưa tốt... khiến việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài.
Trước tình hình đó, NPTPMB đã tích cực học hỏi từ các đơn vị trong và ngoài ngành điện, đúc rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn giải phóng mặt bằng các dự án do đơn vị phụ trách.
Xác định bồi thường, giải phóng mặt bằng là việc làm khó, phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở, NPTPMB phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức thống kê, lập phương án bồi thường và tái định cư đầy đủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình, kịp thời báo cáo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án được giao.
Để triển khai có hiệu quả bồi thường giải phóng mặt bằng, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại với người có đất bị thu hồi nhằm phổ biến các quy định pháp luật, thuyết phục người dân chấp hành. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện; quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với giải phóng mặt bằng. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.
Để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, NPTPMB đảm bảo làm đúng các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất.
PV: Năm 2022, Ban Quản lý dự án Truyền tải điện sẽ tiếp tục đảm nhiệm các công trình, dự án nào trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp? Các dự án này có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong hệ thống truyền tải điện quốc gia trong những năm tới, thưa ông?
Phó Giám đốc Lý Ngọc Khánh: Năm 2022, theo kế hoạch NPTPMB sẽ hoàn thành đóng điện 22 dự án. Trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như: Nâng công suất các TBA 500kV Lai Châu, TBA 220kV Ngũ Hành Sơn, Lắp máy 110kV thứ 2 TBA 220kV Sơn Hà, nâng khả năng tải đường dây 220kV Sơn La - Việt Trì, Hà Đông - Thường Tín, Lắp máy 2 TBA 500kV Tây Hà Nội, treo dây mạch 2 đường dây 220kV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi; giải pháp đảm bảo yêu cầu về điện áp cho lưới truyền tải điện khu vực miền Bắc…
PV: Để đáp ứng yêu cầu tiến độ các dự án trong bối cảnh trên, Ban Quản lý dự án Truyền tải điện đề ra các giải pháp gì để triển khai thực hiện, nhất là tháo gỡ các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vốn vẫn được coi là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mỗi dự án truyền tải?
Phó Giám đốc Lý Ngọc Khánh: Năm 2022, NPTPMB được giao quản lý 99 dự án các giai đoạn. Đồng thời khởi công và đóng điện 45 dự án. Để hoàn thành tốt kế hoạch được giao, NPTPMB triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Theo đó, chúng tôi phấn đấu đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình quan trọng nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện theo chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT.
Bên cạnh việc xây dựng hướng dẫn về quy trình thỏa thuận hướng tuyến đường dây, vị trí trạm biến áp để giảm thiểu ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Lãnh đạo Ban thường xuyên có mặt trên công trường, đặc biệt các công trình trọng điểm để chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, chúng tôi cũng chủ động bám sát các bộ, ban, ngành và các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong chuẩn bị ĐTXD, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án. Xem xét lựa chọn nhà thầu đo đạc có năng lực, trách nhiệm cao và triển khai ngay từ lúc Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt nhằm đảm bảo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt.
Ngoài ra, chúng tôi còn báo cáo kịp thời và thường xuyên những vướng mắc khó khăn cho EVNNPT để có sự chỉ đạo và có hướng giải quyết khi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh. Một số trường hợp đặc biệt, chúng tôi báo cáo EVNNPT để đề xuất EVN báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ có công điện/văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
PV: Xin cảm ơn ông!