Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 - khởi đầu hành trình vận hành “xanh”

Thứ sáu, 26/8/2022 | 09:23 GMT+7
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 hòa lưới điện quốc gia thành công đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa công nghiệp năng lượng trở thành mũi nhọn của tỉnh Thanh, đưa KKTNS trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn).
 
Sau gần 4 năm Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - dự án đầu tư có nguồn vốn nước ngoài lớn nhất Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, trong những ngày tháng 8 mùa thu lịch sử năm nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) rộn ràng hơn trong không khí chào đón thêm 1 dự án FDI lớn đi vào vận hành, khai thác - Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. 
 
Hành trình hiện diện công trình FDI lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
 
Sừng sững ống khói cao ngút trời tại Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, tháng 7-2022, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã chính thức hoàn thành công tác đầu tư xây dựng toàn bộ nhà máy. 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 hòa lưới điện quốc gia lên đường dây 500KV Bắc - Nam, đã đưa thêm 7,8 tỷ kWh điện từ Nghi Sơn đi khắp đất nước Việt Nam. Trong hành trình “biến” vùng đất hoang sơ thành một nhà máy kỳ vĩ, thuận lợi nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Sự hiện diện của công trình này được đắp đổi từ mồ hôi, tâm huyết của hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư, công nhân, cũng là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của chủ đầu tư, kết quả của sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.
 
Sau thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư, tháng 7-2018, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức được khởi công tại xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn). Dự án có có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy công suất 600MW. Công trình được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng Công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao, dự án sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm vận hành.
 
Hành trình đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, chủ đầu tư đã luôn được Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và nhân dân vùng dự án ủng hộ. Các thủ tục đầu tư được tiến hành kịp thời. Nhân dân vùng dự án đã thuận tình nhường đất để xây dựng nhà máy vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh, của đất nước.
 
Nhưng rồi, trong 4 năm thi công 2 tổ máy, có tới hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm và tăng cao. Nhiều thời điểm, lực lượng chuyên gia, kỹ sư bị cách ly. Không ít thời điểm, hoạt động thi công còn bị ảnh hưởng do điều kiện giãn cách xã hội.
 
Còn nhớ, những ngày cuối tháng 8-2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trên công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, công nhân Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - đơn vị đảm nhận vai trò thầu phụ thi công 90% khối lượng công việc lắp đặt cơ khí của nhà máy vẫn mải miết thực hiện những công đoạn hoàn thiện cuối cùng để kịp thời cho giai đoạn thử nghiệm vận hành thử tổ máy số 1. Trong giai đoạn này, để giữ an toàn, sức khỏe cho các kỹ sư, công nhân, lại vừa bảo đảm tiến độ xây dựng nhà máy, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam - tổng thầu dự án đã xây dựng các phương án phòng dịch rất nghiêm ngặt. Ngoài thực hiện chặt chẽ “5K” và kiểm tra nhiệt độ, test nhanh COVID-19 định kỳ cho toàn bộ người lao động, tổng thầu Doosan Việt Nam đã yêu cầu các nhà thầu phụ thực hiện bố trí cho lao động theo phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”. Với giải pháp này, gần 2.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân các nhà thầu đã được bảo đảm an toàn và không có ca nhiễm Covid-19 đến thời điểm vận hành tổ máy số 1 (11-1-2022).
 
Sau khi tổ máy số 1 vận hành thương mại thành công, tổ máy số 2 lại tiếp tục được chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung cao độ để hoàn thiện. Vào ngày 13-7-2022, NS2PC đã thử nghiệm công suất tin cậy ban đầu của nhà máy với sự chứng kiến của các chuyên gia Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tư vấn độc lập. Kết quả thử nghiệm công suất tin cậy ban đầu của nhà máy đạt hơn 1.200 MW và nhà máy chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14-7-2022.
 
Đánh giá về hành trình đầu tư dự án, ông Jubok Lee, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Phó Tổng giám đốc NS2PC, cho biết: “Đến nay, dự án đã đạt được hơn 18 triệu giờ lao động không có tai nạn thương vong. Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, NS2PC gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, công ty đã linh hoạt huy động nhiều nguồn cung ứng nguyên liệu từ các chuyên gia, nhân sự ở các dự án khác tại KKTNS và tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng nguyên vật liệu qua hình thức trực tuyến. Đơn vị cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía tỉnh Thanh Hóa trong việc đầu tư xây dựng cảng chuyên dùng, đường truyền tải điện 500 KV. Đặc biệt là những hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa trong việc di dời tàu bè khỏi khu vực luồng cảng để các tàu vận chuyển than của công ty hoạt động thuận lợi, thông suốt, giải quyết các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng thành công dự án”.
 
Gắn sản xuất với “hành trình xanh”
 
“Sản xuất xanh” chính là phương châm hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 ngay từ thời điểm lên ý tưởng xây dựng đến khi vận hành. Theo chủ đầu tư, đây là dự án áp dụng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về an toàn và môi trường. Tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được áp dụng chương trình quan trắc môi trường tiêu chuẩn cao, phát thải tự động liên tục. Chủ đầu tư cũng quan tâm xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như: Hệ thống khử NOx, SO2, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống xử lý nước thải... “Đây là một trong số rất ít nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC) với hiệu suất cao, góp phần giảm tiêu thụ than, giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác. NS2PC hướng tới sẽ khởi động vận hành xanh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26” - ông Cool Choi, Phó Tổng Giám đốc NS2PC, cho biết thêm.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã hòa lưới điện quốc gia thành công.
 
Cùng với “sản xuất xanh”, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn doanh nghiệp “đứng chân”. Trong 4 năm triển khai dự án, chủ đầu tư đã đặc biệt quan tâm, triển khai chương trình trách nhiệm xã hội, với hơn 100 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất trường lớp học, trạm y tế, khám sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường khu dân cư, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân địa phương xã Hải Hà và phường Hải Thượng, phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn) với tổng kinh phí lên tới 22 tỷ đồng.
 
Một trong những chương trình có ý nghĩa thiết thực mà NS2PC triển khai thường xuyên là chương trình làm sạch biển, tổng vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cùng với sự giúp đỡ của giảng viên Đại học Hồng Đức, NS2PC từng triển khai các dự án canh tác hữu cơ. Dự án đã hướng dẫn cho các hộ nông dân các phường Hải Thượng, Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn thực hành làm phân vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học từ nguyên liệu sẵn tại địa phương để tạo ra những nông sản, hoa chất lượng tốt, an toàn được thị trường đón nhận. Không những vậy, phương pháp canh tác này cũng khiến đất tơi xốp, không bị bạc màu và tận dụng, thu gom được phế thải, phụ phẩm nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
 
Ông Jubok Lee - Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, cho biết: Vận hành thương mại 2 tổ máy thành công, nhà máy được kỳ vọng cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và khoảng 6 triệu hộ gia đình. Không chỉ đóng góp cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa, dự án đã và sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. “Trong thời gian xây dựng dự nhà máy, chúng tôi đã huy động rất nhiều nhân lực từ Thanh Hóa và dự kiến khi đi vào vận hành sẽ tuyển dụng thêm khoảng đến 300 lao động, trong đó 70% là người địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ vận hành dự án theo tiêu chí “sản xuất xanh”. Ngoài đóng góp cho ngân sách, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho các hoạt động hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội ở địa phương".
 
Theo: Báo Thanh Hóa