Nhật Bản sắp khởi động lại hoạt động sản xuất ở nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa sau thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của thảm họa Fukushima.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa nhìn từ trên cao. Ảnh: IAEA
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) chuẩn bị nạp nhiên liệu vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki - Kariwa. Ngừng hoạt động sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011, đây là bước đầu tiên nhằm hồi sinh cơ sở sản xuất điện khổng lồ này. Động thái diễn ra vài tháng sau khi Cơ quan điều phối hạt nhân Nhật Bản (NRA) cấp phép để nhà máy tái hoạt động. NRA cũng cho phép nhà máy bắt đầu nạp nhiên liệu trở lại. Hiện nay, TEPCO sẽ thêm thanh nhiên liệu vào lò phản ứng số 7, Interesting Engineering hôm 15/4 đưa tin.
Nhà máy điện Kashiwazaki - Kariwa vẫn còn một số trở ngại cần vượt qua trước khi hoạt động, bao gồm kiểm tra an toàn và xin giấy phép từ chính quyền địa phương. Trước đó, cơ sở từng đối mặt nhiều vấn đề khi tìm cách khôi phục hoạt động năm 2021 do vi phạm một loạt quy định an toàn, bao gồm không bảo vệ đầy đủ vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, từ sau đó các vấn đề đã được xử lý.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwasaki - Kariwa có công suất 8,2 GW trước lúc ngừng hoạt động năm 2012. Cơ sở nằm ở quận Niigata của Nhật Bản, trên khu đất rộng 4,2 km2, khánh thành lần đầu tiên năm 1985 và sở hữu lò phản ứng nước sôi tiên tiến (ABWR) đầu tiên trên thế giới. Nhà máy có 7 lò phản ứng, trong đó có 5 lò công suất 1,1 GW. Hai lò còn lại có thể sản xuất 1.365 MW điện. Nhà máy điện hạt nhân đã trải qua vài lần đóng cửa một phần và toàn bộ trong suốt thời gian hoạt động do khó khăn kỹ thuật và động đất trong vùng. Dù vậy, sau thảm họa Fukushima, Kashiwasaki - Kariwa đóng cửa suốt thời gian dài.
Lần hồi sinh mới nhất của nhà máy nằm trong tham vọng của Nhật Bản nhằm tái khởi động các lò phản ứng để đảm bảo an ninh năng lượng cho cả nước. Đây cũng là nỗ lực của nước này nhằm cắt giảm khí thải carbon. Do đó, năng lượng hạt nhân sẽ cho phép Nhật Bản tự cung cấp điện trong điều kiện tài nguyên hạn chế và nhập khẩu khoảng 90% lượng điện tiêu dùng. Vì lý do như vậy, Nhật Bản thay đổi quan điểm chính sách năng lượng hạt nhân cuối năm 2022. Sự tăng vọt gần đây trong giá thành một số loại năng lượng như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng thúc đẩy Nhật Bản tái sản xuất điện hạt nhân.
Tiếp theo, TEPCO lên kế hoạch vận chuyển cụm nhiên liệu tới lò phản ứng số 7 hôm 15/4. TEPCO cho biết họ lên kế hoạch đặt 872 cụm nhiên liệu từ kho lưu trữ của nhà máy vào lò phản ứng. Quá trình tương đối tốn thời gian và mất khoảng 1,5 tháng để hoàn thành do cần kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo thanh nhiên liệu được lắp đặt chuẩn xác. Việc kiểm tra cũng cần thiết nhằm đảm bảo hệ thống làm mát lõi hoạt động như thiết kế. TEPCO cũng sẽ tăng số nhân viên trực đêm từ 8 người hiện nay lên 51 người.
Link gốc
Theo: VnExpress