Tin thế giới

Pháp tung “kế hoạch thời chiến” để phát triển năng lượng mặt trời

Thứ hai, 8/4/2024 | 16:35 GMT+7
Pháp đã vừa đưa ra "kế hoạch hành động mạnh mẽ" nhằm tăng tốc độ triển khai công suất năng lượng mặt trời trên lãnh thổ lên gấp đôi vào năm 2030 và hỗ trợ châu Âu sản xuất các tấm pin mặt trời, trước sự siêu thống trị của Trung Quốc.


Bộ trưởng Bộ Kinh tế Bruno Le Maire đến thăm công viên quang điện La Fito, ở Manosque, vào ngày 5 tháng 4 năm 2024 tại Alpes-de-Haute-Provence. Ảnh AFP CHRISTOPH SIMON

“Hiện tai, chúng ta cần phải tăng tốc để đạt công suất bổ sung 6 GW mỗi năm - tức là gấp đôi những gì chúng ta đang làm”, ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp tuyên bố, sau chuyến thăm trang trại điện mặt trời ở Manosque, miền nam nước này.

Pháp đã bổ sung thêm 3,2 GW công suất vào năm 2023, sau khi tăng lên 2,7 GW vào năm 2022, nâng tổng sản lượng năng lượng mặt trời lên 19,3 GW, chủ yếu ở ba khu vực: Nouvelle-Aquitaine, Occitanie và Rhône-Alpes. Sự phát triển này rất chậm so với nhu cầu khử cacbon rất lớn của Pháp.

Tuy nhiên, trong bản lộ trình năng lượng được công bố vào cuối tháng 11/2023, Chính phủ Pháp đã đưa ra mục tiêu đặt 100 GW sản lượng năng lượng mặt trời vào năm 2035 (thay vì năm 2050).

Tất cả những gì cần làm là xắn tay áo lên và bắt đầu. "Vấn đề không phải là liệu chúng ta có muốn sử dụng quang điện ở quy mô lớn hay không. Vấn đề là chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào, với tốc độ thế nào, với ngành công nghiệp nào", ông Le Maire phát biểu trong buổi thông báo ra mắt dự án “hiệp ước năng lượng mặt trời” với những thành viên trong lĩnh vực của Pháp.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Le Maire, một người ủng hộ năng lượng hạt nhân, có chuyến đi tham quan hội thảo chủ đề năng lượng mặt trời, kiểu năng lượng được người Pháp “yêu thích” và “sẵn sàng chào đón", đồng thời ông cũng phản đối các tuabin gió trên bờ.

Mục tiêu “đến năm 2030, Pháp sẽ tự cung cấp được 40% số tấm quang điện mà nước ta tiêu thụ", phát biểu của ông Le Maire, người đi cùng với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Năng lượng Roland Lescure.

Theo văn phòng Bộ trưởng, "hiệp ước năng lượng mặt trời" được đề xuất với những đối tượng liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm các nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, dựa trên "sự đoàn kết" để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm "sản xuất tại Châu Âu" hoặc thậm chí "tại Pháp" và xây dựng các nhà máy nội địa.

Để các khách hàng chuyển đổi sang mua hàng của Pháp, Nhà nước cam kết "hỗ trợ rộng rãi cho việc phát triển năng lượng mặt trời ở Pháp" bằng cách tăng cường các tiêu chí đấu thầu về “hàm lượng carbon” – làm cho một tấm pin sản xuất trong nước sẽ được đánh giá cao hơn.

"Chúng tôi đang mở quầy đăng ký trong hai tháng", văn phòng của Roland Lescure cho biết. Đã có 29 chữ ký từ "những nhà phát triển năng động như Neoen" đến những công ty khác muốn biến vùng đất bỏ hoang của họ thành những cánh đồng điện mặt trời như SNCF.

Bruno Le Maire đã yêu cầu các “nhà thầu lớn” như TotalEnergies, Engie hay EDF cũng cam kết thực hiện “hiệp ước năng lượng mặt trời” này.

Dự án này càng nhạy cảm hơn vì nước này dự kiến sẽ lắp đặt hai nhà máy lớn sản xuất tấm pin mặt trời (Carbon ở Fos-sur-mer và HoloSolis ở Sarreguemines) vào cuối năm 2025. Theo văn phòng của ông Lescure, họ đang trong quá trình "nộp giấy phép xây dựng".

Bộ Kinh tế Pháp mong muốn khuyến khích việc lắp đặt các nhà máy sản xuất chuyên môn hoá các bước của quy trình sản xuất tấm pin mặt trời.

Để làm được điều này, họ đang chuẩn bị tung ra thang điểm A, B, C, D hoặc E. Dựa trên tỷ lệ các giai đoạn sản xuất tấm pin ở châu Âu: xếp loại A nếu có tối thiểu 4 giai đoạn được thực hiện trong khu vực kinh tế Châu Âu, ngược lại, xếp loại E nếu tấm pin được nhập khẩu từ một nước ngoài Châu Âu.

Ngoài ra, một nghị định nông nghiệp để điều chỉnh và khuyến khích lắp đặt các dự án quang điện trên đất nông nghiệp sẽ được công bố vào cuối tuần này trên Tạp chí Công.

Link gốc

Theo: NL&CS