Máy phát điện do anh Đợi sáng chế, cung cấp điện cho hơn 400 hộ dân xã Thành Sơn
|
Ông chủ nhà máy điện “mi ni”
Từ thị trấn Hội lên Thành Sơn mất hơn 40km đường rừng hiểm trở, phải lội qua gần chục con suối nước xiết. Con đường sình lầy nhão nhoét khiến chúng tôi phải vật lộn trên chiếc Dream mất gần 4 giờ mới lên đến bản. “Đường sá gập ghềnh, người đi còn không được, huống chi là kéo đường điện vào bản. Nhà nào giàu lắm mới dám mua cái máy phát điện chạy bằng dầu”, ông Đinh Xuân Diện, Chủ tịch xã Thành Sơn bộc bạch.
Đến bản Pu khi trời vừa chập tối. Dưới dòng suối nước trong vắt có 3 thanh niên đang hì hục khuân từng hòn đá nhỏ, chồng lên nhau, xếp thành hàng dài. Người thanh niên có dáng nhỏ thó, khuôn mặt đen nhẻm chính là anh Phạm Bá Đợi, dân tộc Thái, chủ nhân của “nhà máy điện”. Anh đang cố “nắn” dòng suối chảy sang hướng khác để thí nghiệm “con máy” đầu ngang anh mới sáng chế. “Chiếc máy đầu ngang này tôi cải tiến một số bộ phận của con máy đầu đứng để chạy ổn định hơn khi mùa lũ về”, anh Đợi nói.
Anh Đợi dẫn chúng tôi ngược dòng suối khoảng 100m tham quan công trình “nhà máy điện mi ni” hai tuabin hoạt động suốt ngày đêm. Chiếc máy khá đơn giản, gồm một bộ Roto và Stato với bộ phận khởi động, gắn với máy bằng đai truyền. Anh Đợi cho biết, nguyên tắc hoạt động của máy không khác gì những máy điện chạy bằng sức nước do Trung Quốc sản xuất. Khác một cái là máy có thể chạy tốt vào mùa lũ mà hầu hết máy của Trung Quốc đều… bó tay.
“Máy Trung Quốc chạy không ổn định và hay mất điện khi mưa lớn, vì nước tràn vào trong ổ làm máy bị chập mạch. Còn máy của tôi trước đến giờ không có chuyện đó”, anh Đợi quả quyết. Máy khởi động khi có dòng nước chảy đều đặn vào một chiếc cống dựng đứng, đường kính 1m và có cục phát điện đặt phía trên. Nước chảy vào cống tạo áp lực làm quay bánh đà của bộ khởi động, làm chuyển động cuộn dây bên trong cục phát điện và sinh ra điện. Loại máy này không tốn kém như máy chạy bằng dầu. Theo anh Đợi, 1 máy phát điện kiểu này có thể cung cấp điện thoải mái cho hộ 6 gia đình (công suất 9KW), chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng.
“Tiến sĩ” học lớp ba
Người dân Thành Sơn gọi vui anh Đợi là “tiến sĩ” chân đất bởi quần áo anh lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Mang tiếng là “giám đốc” nhà máy điện nhưng tài sản đáng giá nhất của anh là ngôi nhà đơn sơ và chiếc ti vi Trung Quốc cũ kỹ… Gia đình có 5 anh em, Đợi là con đầu nên tuổi thơ của anh là những năm tháng khó nhọc. Cái nghèo, cái đói đã buộc cậu bé phải bỏ học khi vào lớp ba. Lên 15 tuổi, cha Đợi đến xin cho cậu học nghề của một thợ mộc. Ông thợ nhìn đứa trẻ đen nhẻm, thân hình yếu ớt và lắc đầu. Thầy không nhận nhưng cậu bé Đợi đã tự mày mò, đục đẽo... và trở thành chàng thợ mộc tài hoa. 10 năm làm nghề mộc, anh đã dựng được hơn trăm nóc nhà cho bà con trong vùng, khiến nhiều thanh niên trong làng ngưỡng mộ.
Và chính nghề mộc là cơ duyên để chàng trai dân tộc Thái đến với điện. Anh đi làm khắp miền Tây Bắc. Lần đó, anh dựng nhà ở huyện Mường Tè (Sơn La), tận mắt chứng kiến bà con dùng máy phát điện chạy bằng sức nước, điện sáng khắp bản mà nghĩ thương dân làng mình. Hình ảnh máy phát điện cứ ám ảnh anh mãi. “Lúc đó, tôi chỉ mong mua được 1 cái mang về cho bà con bản Pu dùng nhưng đắt quá, tính ra cũng gần chục triệu đồng, lấy đâu ra”, anh Đợi cười xòa.
Thật ra năm 2000, xã Thành Sơn đã có điện nhưng là điện được chế từ máy nổ xe công nông, chạy bằng dầu. “Chạy bằng dầu thì đắt lắm, một đêm ít nhất cũng tốn 2 lít. Đã vậy, máy cứ nổ ầm ầm làm dân bản mất ngủ”, hình ảnh máy phát điện ở Mường Tè cứ hiển hiện trong đầu, thôi thúc anh Đợi. Anh quyết định tìm mua máy phát điện chạy sức nước hỏng về nghiên cứu. Đó là máy của Trung Quốc có công suất 9KW, sau đó anh Đợi chế thêm tuabin, cánh quạt, trục khởi động và bánh đà, nối với buli máy... chạy thử nhưng thất bại. Máy chạy không đúng công suất, bánh đà nhẹ nên không đủ vòng quay, công suất thấp hơn nhiều so với thông số trên máy.
Hết tiền, một người bạn tốt bụng đã cho anh Đợi vay tiền để tiếp tục nghiên cứu. Anh mua thêm 1 máy phát điện mới, rồi xuống Nam Định mua phụ tùng về mày mò tiếp. Chiếc máy mới bị tháo tan tành… và anh thắng lợi khi bánh đà cùng điện năng tăng rõ rệt. Anh cẩn thận thử nghiệm thêm 2 lần và đã thành công ngoài mong đợi.
Sau một thời gian thí nghiệm thành công tại bản Pu, anh Đợi đã mạnh dạn lắp máy cho nhiều bản làng chưa có điện trong khu vực. Đến nay, anh đã lắp đặt 14 máy phát điện, phục vụ điện sinh hoạt cho hơn 400 hộ gia đình ở xã Thành Sơn. Hiện tại, anh đang nghiên cứu máy phát điện ba pha với công suất lớn. “Nếu thành công thì không chỉ có người dân Thành Sơn mà các vùng xung quanh cũng được dùng điện chỉ với 1 máy phát thôi”, anh nói.