Nhân lực công nghệ thông tin EVN mỗi đơn vị cần có kế hoạch đào tạo cụ thể

Thứ năm, 18/10/2007 | 00:00 GMT+7

Là yếu tố quyết định thành công của chiến lược ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng hiện nay, năng lực của đội ngũ làm CNTT tại nhiều đơn vị trong Tập đoàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới. Theo EVN, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị chưa chú trọng công tác đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ làm CNTT. Bên cạnh đó, chính sách thu hút lao động CNTT của ngành cũng chưa thực sự hấp dẫn lao động CNTT.

            

Phát triển nhân lực CNTT cần đảm bảo tính chuyên sâu và tinh thông nghiệp vụ SXKD điện năng

Vừa thiếu vừa yếu

Theo khảo sát và đánh giá thực trạng CNTT tại các đơn vị của EVN, đa số các công ty điện lực đã có đội ngũ cán bộ CNTT với trình độ tương đối cao, đáp ứng nhu cầu quản lý CNTT của đơn vị. Điều này phản ánh các công ty điện lực đã có nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của CNTT nói chung và việc tích cực triển khai công tác phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm CNTT tại đơn vị. Cụ thể: Về trình độ học vấn, có 76% đại học, 8% cao đẳng và 16% dưới cao đẳng; về trình độ kỹ thuật, có 20% cán bộ phần cứng, 36% cán bộ phần mềm và 44% cán bộ làm gián tiếp. Là một đơn vị đầu mối công nghệ thông tin duy nhất của EVN, Trung tâm Công nghệ Thông tin đã từng bước khẳng định được vị trí đầu tàu trong ngành Điện về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của Ngành. Hiện nay, Trung tâm có đội ngũ cán bộ CNTT với trình độ cao và đồng đều. Cụ thể: Trình độ học vấn: 11% thạc sỹ; 89% kỹ sư và cử nhân; trình độ kỹ thuật: 26% chuyên gia phần cứng, 53% chuyên gia phần mềm và 21% các bộ phận khác.

Tuy nhiên, EVN cho rằng, những kết quả tích cực trong công tác phát triển nguồn nhân lực CNTT của ngành như trên chỉ là những “góc sáng” trong bức tranh khá ảm đạm  mà thôi. Nhìn chung, nhân lực CNTT trong toàn ngành hiện nay còn yếu và thiếu, đặc biệt là ở các đơn vị sản xuất, các đơn vị vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, tại khối các đơn vị sản xuất điện, đội ngũ cán bộ CNTT hiện đang rất hạn chế. Đa số các đơn vị chưa có một phòng ban chuyên trách về CNTT. Cán bộ làm CNTT thường chỉ vài người được biên chế trong các tổ, đội, bộ môn thuộc các phòng chức năng (phòng Tổng hợp, Kỹ thuật, Vận hành...) và kiêm nhiệm công tác khác. Trình độ học vấn của cán bộ CNTT thường không đúng chuyên ngành CNTT, nên bị “hổng” các khái niệm, kiến thức cơ bản. Hơn nữa, các kiến thức mới lại không được cập nhật thường xuyên trong khi CNTT lại là một ngành thay đổi nhanh chóng. Đối với khối truyền tải điện, tuy các đơn vị đều có bộ phận chuyên trách về CNTT (thường là Tổ thông tin máy tính thuộc Phòng Điều độ thông tin), song số lượng nhân lực CNTT tại bộ phận này cũng chỉ giới hạn trên dưới 10 người chuyên trách với chức năng hỗ trợ người dùng cuối (đối tượng sử dụng phần mềm sẵn có và theo nhu cầu), duy trì, phát triển hệ thống CNTT tại đơn vị.

Một số cán bộ tại các công ty truyền tải có trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành CNTT nhưng số đó không nhiều và hầu hết đều có trình độ cao đẳng trở xuống hoặc có bằng chuyên môn không phù hợp. Trình độ kỹ thuật của cán bộ CNTT nhìn chung có thể đảm nhiệm việc bảo trì, phát triển hệ thống CNTT phục vụ công tác thiết yếu tại đơn vị. Nhưng trước những đòi hỏi về phát triển các ứng dụng phức tạp thì vẫn chưa thực hiện được do trình độ, năng lực không đồng đều, thiên về phục vụ các yêu cầu đơn giản của người dùng cuối tại văn phòng công ty. Mặc dù CNTT là một bộ phận cấu thành trong các hoạt động kinh doanh viễn thông, nhưng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông vẫn chưa có một bộ phận nào chuyên trách về phát triển CNTT. Một số dịch vụ ứng dụng CNTT như truy cập Internet, cấp đường truyền số liệu mới chỉ bó hẹp trong hoạt động kinh doanh, chưa thật sự phục vụ công tác phát triển CNTT nội bộ đơn vị và toàn EVN. Cùng chung thực trạng đó, đội ngũ nhân lực CNTT của khối cơ khí điện lực, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, Viện Năng lượng, trường đào tạo, đội ngũ làm CNTT cũng đang thiếu và yếu, chưa có lực lượng chuyên trách về CNTT, phần lớn cán bộ làm CNTT có chuyên ngành không phù hợp, ít được cập nhật thông tin công nghệ thường xuyên. Nhiệm vụ chính của họ vẫn là bảo dưỡng hệ thống CNTT hiện có, phát triển vài ứng dụng nhỏ, đơn giản và hỗ trợ người dùng cuối. Bên cạnh những hạn chế của lực lượng làm CNTT tại các đơn vị như đã nêu trên thì việc thu hút nhân lực CNTT có chuyên môn cho ngành cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì từ trước đến nay, vị trí công tác và chế độ đãi ngộ trong ngành vẫn chưa đủ sức hấp dẫn lực lượng lao động này.

Cần có kế hoạch đào tạo cụ thể

Từ thực trạng trên, EVN đã yêu cầu các đơn vị thành viên lập một kế hoạch, lộ trình chi tiết về công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực CNTT. Kế hoạch xây dựng và đào tạo đội ngũ CNTT cần phải được tính toán kỹ lưỡng và dự đoán được những yêu cầu của tình hình mới, đảm bảo đi trước một bước. Kế hoạch phát triển nhân lực CNTT của mỗi đơn vị cần thực hiện theo các tiêu chí như: Phải được xây dựng và đào tạo kỹ lưỡng cả về CNTT lẫn quy trình nghiệp vụ sản xuất kinh doanh. Đối với đào tạo, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho người dùng cuối, phải đảm bảo đào tạo bài bản, có xét đến nhu cầu hiện tại và xu hướng nhu cầu tại đơn vị. Từ đó hạn chế hiện tượng người dùng cuối “ngại” sử dụng CNTT trong công việc hàng ngày. Đối với cấp lãnh đạo doanh nghiệp, phải được đào tạo cả về những lợi ích của CNTT đối với doanh nghiệp và phương pháp đánh giá hiệu quả của CNTT. Một điểm quan trọng không thể bỏ qua là các đơn vị phải bổ sung, hoàn thiện chính sách, chế độ đãi ngộ, nâng cao khả năng thu hút và khuyến khích nhân lực làm CNTT.

EVN đặc biệt lưu ý các đơn vị về việc chú trọng hơn công tác đào tạo quy trình nghiệp vụ sản xuất kinh doanh cho đội ngũ làm CNTT. Bởi việc nắm bắt nghiệp vụ sản xuất kinh doanh sẽ giúp các cán bộ CNTT tư vấn, ứng dụng CNTT vào các quy trình sản xuất kinh doanh của đơn vị hiệu quả hơn. Thực tế đã chứng minh cách tiếp cận mới này hiệu quả hơn hẳn cách tiếp cận cũ - người dùng cuối đặt ra nhu cầu sử dụng CNTT trong công việc. Hiện nay, trên thị trường CNTT, dịch vụ hỗ trợ CNTT cho doanh nghiệp đang ngày một thịnh hành. Doanh nghiệp ngành Điện có thể thuê dịch vụ thực hiện toàn bộ các công việc như quản trị, bảo dưỡng, nâng cấp, sao lưu, phục hồi... Nhưng dịch vụ đó vẫn không thể thay thế một đội ngũ làm CNTT chuyên trách tinh thông nghiệp vụ. Đội ngũ này ngoài việc trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ CNTT còn đóng vai trò tư vấn cho lãnh đạo đơn vị trong các công việc liên quan tới CNTT trong và ngoài đơn vị, làm đầu mối thu thập nhu cầu về CNTT và giám sát, đánh giá các công tác liên quan tới việc thuê ngoài các dịch vụ CNTT.

Theo TC Điện lực số 9 - 2007