Nhân tố thúc đẩy kỷ nguyên điện hạt nhân mới

Thứ năm, 26/1/2023 | 13:08 GMT+7
Ngay cả những quốc gia chống điện hạt nhân nhất, như Đức và Nhật Bản, cũng đang kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân hiện có, đi ngược lại những cam kết trước đây là loại bỏ hoàn toàn công nghệ gây chia rẽ này.

Nhà máy điện hạt nhân Tihange ở tỉnh Liège, Bỉ, ngày 6.5.2022. Ảnh AFP

Trong khi năng lượng hạt nhân chưa bao giờ chết ở một số nền kinh tế chủ chốt, như Trung Quốc và Nga, các nhà lãnh đạo thế giới có ảnh hưởng hơn ở phương Tây cũng đang tham gia, báo hiệu một sự thay đổi lớn tiềm năng cho ngành năng lượng hạt nhân - theo trang Oilprice.

Trong nhiều thập kỷ, các thảm họa hạt nhân như Fukushima, Three Mile Island và Chernobyl đã in sâu vào tâm thức cộng đồng và rất ít người muốn có một lò phản ứng hạt nhân ở sân sau, hoặc thậm chí ở nước họ. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng hạt nhân rất hiếm khi xảy ra.

Nhưng ngay cả với nguy cơ thảm họa hạt nhân tương đối thấp, vẫn còn một vấn đề rất thực tế về chất thải hạt nhân - thứ cực kỳ tốn kém để xử lý trong khi độ nguy hiểm của nó kéo dài trong hàng nghìn năm. 

Nhưng với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại cùng với sự biến đổi khí hậu thảm khốc, năng lượng hạt nhân dường như là giải pháp hiệu quả, đáng tin cậy và hoàn toàn không có khí thải, đồng thời là công nghệ đã được chứng minh với cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đã có trên khắp thế giới.

Mỹ vẫn là nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới, nhưng ngành công nghiệp này đã suy giảm trong nhiều thập kỷ. Các nhà máy hạt nhân của Mỹ đã hoạt động khá lâu và chi phí duy trì chất thải hạt nhân đang đè nặng lên vai những người nộp thuế.

Nhưng lần đầu tiên sau nhiều năm, tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân ở Mỹ có vẻ tươi sáng hơn một chút khi tính cấp thiết của quá trình trung hòa cacbon làm tăng áp lực lên các nhà hoạch định chính sách và giới lãnh đạo tư nhân. 

Mặc dù dư luận vẫn còn chia rẽ, nhưng đang dần thay đổi theo hướng có lợi cho năng lượng hạt nhân và Thung lũng Silicon đang dốc toàn lực ủng hộ lựa chọn hạt nhân.

Mỹ vẫn là nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP

Giờ đây, Đạo luật giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang duy trì động lực xây dựng năng lượng hạt nhân ở Mỹ bằng cách cung cấp tín dụng thuế sản xuất cho các lò phản ứng hiện có, khuyến khích triển khai công nghệ hạt nhân tiên tiến và cung cấp kinh phí cho thử nghiệm uranium làm giàu thấp tiên tiến để giúp xây dựng chuỗi cung ứng cho nguồn nhiên liệu phân hạch hạt nhân thiết yếu trong nước.

Tại Vương quốc Anh, năng lượng hạt nhân ngày càng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn, kể cả ở cấp quản trị cao nhất. Hồi tháng 3, tức là tháng thứ hai Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã nói với các cử tri rằng giải pháp để Anh ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga là đầu tư vào các nhà máy hạt nhân của chính nước này.

“Kế hoạch của ông Johnson là cung cấp một cứu cánh bất ngờ cho ngành công nghiệp đang gây chia rẽ bằng cách hứa hẹn xây dựng 24 gigawatt công suất điện hạt nhân trong ba thập kỷ tới, tăng từ mức chỉ 5,88GW hiện nay” - theo một bài báo của tờ Financial Times. 

Kế hoạch này không chỉ làm giảm sự phụ thuộc của Vương quốc Anh vào Điện Kremlin, mà còn làm hồi sinh vị thế của quốc gia này với tư cách là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về ngành công nghiệp hạt nhân.

“Mục tiêu của chúng tôi là một lần nữa dẫn đầu thế giới về công nghệ mà chúng tôi đã đi tiên phong để đến năm 2050, có tới 1/4 năng lượng tiêu thụ của chúng tôi ở Vương quốc Anh là từ hạt nhân” - ông Johnson tuyên bố.

Tất nhiên, ông Johnson đã bị thay thế, nhưng người kế nhiệm là Thủ tướng Rishi Sunak vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình trong việc tăng cường năng lực sản xuất điện hạt nhân ở Vương quốc Anh.

Chỉ sau một tháng nhậm chức, Thủ tướng Sunak đã ký một thỏa thuận trị giá 679 triệu bảng Anh (tương đương 840 triệu USD) với công ty điện lực EDF của Pháp để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân 3,2 GW trên bờ biển Suffolk. Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ có đủ công suất phát điện để cung cấp điện cho sáu triệu hộ gia đình.

Nhà máy điện hạt nhân ở Belleville-sur-Loire, Pháp. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng đây không phải là lần đầu tiên nước Anh cố gắng (và thất bại) để bắt đầu một kỷ nguyên vàng mới của năng lượng hạt nhân. Tờ Financial Times viết: “Chính phủ đang phải chiến đấu với thời gian chỉ để thay thế thế hệ điện hạt nhân hiện có, chứ đừng nói đến việc mở rộng. Tất cả trừ một nhà máy sẽ ngừng hoạt động vào năm 2028”.

Tuy nhiên, lần này có sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm của công chúng và cá nhân về năng lượng hạt nhân. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, cũng như cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina, đã vẽ lại tất cả các quy tắc. Trong thời điểm cần cả an ninh năng lượng và trung hòa cacbon, nhiều người đang đi đến kết luận rằng không thể bỏ qua những lợi ích của năng lượng hạt nhân.

Link gốc

 

Theo: Lao động