Nhà máy sản xuất thực phẩm xanh từ điện và không khí

Thứ sáu, 6/1/2023 | 09:21 GMT+7
Công ty Solar Foods sản xuất chất bột giàu protein từ các tế bào vi sinh vật, có thể thay thế trứng trong mì hoặc dùng làm thành phần của ngũ cốc.

Lò phản ứng sinh học của Solar Foods. Ảnh: Interesting Engineering

Solar Foods, công ty công nghệ thực phẩm Phần Lan với giải pháp sản xuất protein từ vi sinh vật nuôi cấy nhờ điện và không khí, đã sẵn sàng để đạt những bước tiến lớn vào năm 2023. Công ty đang xây nhà máy quy mô thương mại đầu tiên gần Helsinki, Interesting Engineering hôm 2/1 đưa tin.

"Chúng tôi chậm một chút so với kế hoạch, nhưng việc sản xuất có thể bắt đầu khoảng năm 2023", Pasi Vainikka, CEO của Solar Foods, nói. Vainikka cũng cho biết, nhà máy có thể sản xuất 100 tấn thực phẩm mỗi năm, đủ cho 4 triệu hoặc 5 triệu bữa ăn.

Loại protein mới mang tên Solein, trông giống một chất bột màu vàng. Nó có thể thay thế trứng trong mì hoặc dùng làm thành phần của ngũ cốc, đồ ăn nhẹ và nhiều loại thức ăn khác. Các chuyên gia đã thử nghiệm sử dụng nó trong nhiều loại thực phẩm tại một nhà máy thí điểm trong hai năm.

Để sản xuất Solein, đầu tiên, các chuyên gia chọn một mẫu đất và kiểm tra để tìm những sinh vật chất lượng tốt. Sau khi chọn một loại vi sinh vật thích hợp, họ sẽ nuôi cấy chúng. Tiếp theo, chúng được đặt vào lò phản ứng sinh học, nơi xảy ra quá trình lên men khí.

Vi sinh vật ăn hydro hòa tan, CO2 cũng được tách ra khỏi nước bằng điện trong quá trình này. Sau đó, các chuyên gia cung cấp chất dinh dưỡng nhằm giúp vi sinh vật tạo ra axit amin, carbohydrate, lipid và vitamin. Hơi ẩm dư thừa được loại bỏ và cuối cùng, họ thu được một loại bột khô giàu protein. Nếu điện bắt nguồn từ năng lượng mặt trời hoặc gió, thì Solein có thể sản xuất với lượng khí thải nhà kính gần như bằng 0.

Solar Foods hướng đến việc sản xuất thức ăn thân thiện với môi trường hơn thay vì phương pháp trồng trọt hay chăn nuôi truyền thống - thường tốn nhiều nước, tạo ra lượng lớn khí thải và chất ô nhiễm, đôi khi khiến rừng bị chặt phá.

Link gốc

 

Theo: VnExpress