Các nhà khí tượng cảnh báo rằng bão Mindulle, được xếp loại siêu bão, có thể gây cuồng phong, mưa xối xả và sóng cao hơn 10m - Ảnh: AP
Trung tâm Khoa học và công nghệ nghiên cứu về bão khai trương hôm 1-10 tại Đại học Quốc gia Yokohama, phía tây nam thủ đô Tokyo.
Một nghiên cứu của trung tâm này ước tính năng lượng do một siêu bão tạo ra có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong một tháng.
Ông Hironori Fudeyasu, giáo sư Đại học Quốc gia Yokohama và là người đứng đầu trung tâm mới, giới thiệu với Đài truyền hình Đức DW về dự án "Typoonshot" của trung tâm.
"Dự án đang nghiên cứu phát triển một phương pháp làm suy yếu sức mạnh của một cơn bão bằng cách phun một lượng băng lớn từ máy bay vào mắt bão để làm giảm áp suất và cường độ bão. Dự án cũng đang nghiên cứu cách khai thác năng lượng của một cơn bão bằng cách sử dụng các tuabin được lắp đặt trên các tàu không người lái ngoài khơi", ông Hironori Fudeyasu nói.
Các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu thừa nhận việc khai thác năng lượng của một siêu bão là "vô cùng khó khăn", nhưng nhấn mạnh họ có khả năng thực hiện được.
"Nhật Bản có nguồn năng lượng rất hạn chế và ngày càng nhiều lo ngại về sự nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc thu được năng lượng từ một cơn bão sẽ giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu không phát thải khí carbon vào năm 2050. Đó là điều mà chúng tôi phải khám phá", ông Kazuhisa Tsuboki - giáo sư khí tượng học tại Đại học Nagoya, nói.
Một nghiên cứu năm 2018 cho rằng siêu bão kèm theo một đợt triều cường mạnh ở vịnh Tokyo có thể phá hủy hệ thống phòng thủ lũ lụt rộng lớn của thành phố và sẽ khiến 8.000 người chết, thiệt hại ước tính lên đến 1.000 tỉ USD.
Nhật Bản nằm rất gần khu vực tây Thái Bình Dương, nơi hình thành những siêu bão vì ở đây có nhiệt độ bề mặt đại dương ấm nhất thế giới.
Ông Kazuhisa Tsuboki cảnh báo: "Với hậu quả của biến đổi khí hậu, việc siêu bão liên tục tấn công trực tiếp vào lục địa Nhật Bản chỉ còn là vấn đề thời gian".
Theo: Tuổi trẻ