Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, nhìn từ trên cao hôm 17/3. Ảnh: Reuters.
"Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã thay đổi đáng kể tình hình năng lượng thế giới. Do đó, Nhật Bản cần chú ý đến những kịch bản khủng hoảng tiềm ẩn", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp chính sách năng lượng ngày 24/8.
Theo ông Kishida, Nhật Bản nên cân nhắc xây các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới và chính phủ sẽ thảo luận về khởi động thêm các nhà máy điện hạt nhân, tăng tuổi thọ vận hành của các lò phản ứng nếu yếu tố an toàn được đảm bảo.
Thủ tướng Nhật Bản đề nghị đưa ra "kết luận chắc chắn về vấn đề vào cuối năm nay", bao gồm "tăng sự thấu hiểu từ công chúng" về năng lượng bền vững và điện hạt nhân.
Điện hạt nhân là chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản sau thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Nhật Bản sau đó cho dừng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân và tuyên bố không xây thêm lò phản ứng. 11 năm sau, 10 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân đã được khởi động lại, nhưng không phải tất cả đều hoạt động quanh năm. Nền kinh tế số ba thế giới vẫn phụ thuộc đáng kể vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Hồi tháng 7, chính phủ Nhật Bản bày tỏ hy vọng tái khởi động thêm lò phản ứng hạt nhân để tránh thiếu điện trong mùa đông năm nay.
Truyền thông địa phương trước đó đưa tin việc gia hạn tuổi thọ lò phản ứng có thể được thực hiện bằng cách không tính thời gian chúng dừng hoạt động. Theo quy định hiện tại, Nhật Bản phải cho các nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động sau một thời gian ấn định trước, một số trường hợp là 60 năm.
Cơ quan giám sát an toàn hạt nhân Nhật Bản đã phê duyệt về nguyên tắc việc tái khởi động thêm 7 lò phản ứng. Những động thái như vậy thường vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương.
Trước thảm họa Fukushima, năng lượng hạt nhân cung cấp khoảng 1/3 sản lượng điện tại Nhật Bản, nhưng vào năm 2020, tỷ lệ này còn chưa đến 5%. Tokyo đã cải tổ và tăng cường các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, muốn điện hạt nhân chiếm 20-22% tổng sản lượng điện vào năm 2030, hỗ trợ nỗ lực trung hòa carbon.
Tom O'Sullivan, chuyên gia năng lượng tại công ty tư vấn Mathyos Advisory, trụ sở Tokyo, nói xây các lò phản ứng thế hệ mới ở Nhật Bản sẽ là "bước đi lớn" bởi các lò hiện tại đều là công nghệ cũ.
"Bối cảnh hiện tại đã thay đổi nhiều do xung đột ở Ukraine", O'Sullivan nói. Kết quả các khảo sát gần đây cho thấy quan điểm của công chúng với điện hạt nhân cũng đã mềm mỏng hơn.
"Đây là bước đi đầu tiên hướng đến bình thường hóa chính sách năng lượng", Jun Arima, giáo sư tại trường chính sách công, Đại học Tokyo, nói. Nhật Bản cần năng lượng hạt nhân bởi lưới điện quốc gia không kết nối với các nước láng giềng và cũng không thể tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nước.