Lộ trình thị trường điện Việt Nam (Nguồn: Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg)
Mục đích của việc phê duyệt lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện của Việt Nam được chỉ ra tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 là:
(i) từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp cấp cho khách hàng sử dụng điện;
(ii) Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của nhà nước cho ngành điện;
(iii) Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện;
(iv) Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao; (v) Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.
Theo Quyết định này, thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1: (đến hết năm 2014) - tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015-2021) - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ 2021) - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước thí điểm và hoàn chỉnh.
Chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập với thế giới. Việc hình thành các cấp độ của thị trường điện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung về quản lý công nghiệp điện của các nước trên thế giới và nó mang một đặc trưng riêng của Việt Nam, đó là triển khai từng bước thận trọng tại mỗi một cấp độ bao gồm giai đoạn thí điểm và chính thức.
Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (Vietnam Competitive Generation Market -VCGM) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2012, số thành viên tham gia chào giá trực tiếp là 29 nhà máy điện có công suất thiết kế từ 30MW trở lên (trừ các nhà máy thủy điện đa mục tiêu) và các Nhà máy điện Phú Mỹ thuộc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ là một trong số đơn vị tham gia chào giá trực tiếp chính thức ngay từ những ngày đầu. Qua 7 năm vận hành, thị trường VCGM đã tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện. Điều đó được thể hiện qua tính minh bạch trong huy động nguồn điện, tạo điều kiện cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả, từ đó tạo tín hiệu thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư từ nhà nước và tăng đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài.
Từ những kinh nghiệm thực tế của thị trường điện nội bộ (năm 2007) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và qua 7 năm thị trường VCGM, đội ngũ cán bộ và chuyên viên trực tiếp tham gia thị trường điện của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đúc kết được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, luôn chủ động trong công tác thị trường điện và phối hợp trong công tác chào giá - vận hành - sửa chữa để mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất. Doanh thu bình quân từ 2014-2018 đạt trên 17.000 tỷ/năm.
Nguồn: Theo số liệu báo cáo nội bộ Công ty NĐPM
Với bề dày kinh nghiệm trên thị trường VCGM, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã được Bộ Công Thương chọn 02 nhà máy điện (Phú Mỹ 2.1 và Phú Mỹ 4) tham gia giai đoạn thí điểm Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (Vietnam Wholesale Electricity Market - VWEM) từ tháng 01/2018 theo Quyết định số 4804/QĐ-BCT ngày 26/12/2017.
Bước vào những ngày đầu của năm 2019, thị trường điện Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn VWEM chính thức. Trong giai đoạn này, bên mua điện đã được mở rộng đến 05 Tổng Công ty Điện lực, vì vậy, đội ngũ làm công tác thị trường điện của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ phải thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn trong công tác phối hợp đối soát các khoản doanh thu bán điện với bên mua điện cũng như các công tác liên quan khác để vận hành VWEM đạt kết quả cao.
Theo: Tạp chí Công Thương