Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4: “Nguồn sáng” quan trọng cho miền Nam

Thứ tư, 8/8/2018 | 13:47 GMT+7
Dù chỉ sở hữu 2 nhà máy với tổng công suất hơn 3.224MW tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân nhưng các nhà máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam, nhất là vào mùa khô.
 

Trung tâm điều hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

 
Cung cấp trên 25 tỷ kWh
 
Ông Lý Tư Trí - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân - cho biết, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân bao gồm 4 nhà máy với tổng công suất lắp đặt 6.224MW; trong đó, có hai nhà máy do Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc EVN đầu tư, quản lý và vận hành.
 
Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được khởi công ngày 8/8/2010 với quy mô 2 tổ máy, tổng công suất 1.244MW.Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng có công suất 1.800 MW được khởi công xây dựng vào tháng 3/2014. Từ khi đưa vào vận hành, các nhà máy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phát điện, đặc biệt trong các tháng mùa khô hàng năm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã phát 4.099 triệu kWh, đạt 103,2% so kế hoạch tổng công ty giao, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 3,8% so với tổng sản lượng điện sản xuất và mua trong cả nước là 105.9 tỷ kWh và 8,4% so với sản lượng điện miền Nam. Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã sản xuất 2.149 triệu kWh, đạt 109,8% so với kế hoạch giao. Lũy kế từ ngày vận hành đến hết ngày 22/7/2018, tổng sản lượng các nhà máy của EVN tại Vĩnh Tân đã cung cấp cho hệ thống trên 25 tỷ kWh.
 
Với sự chỉ đạo của EVN, EVNGENCO 3, cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, đến nay, hoạt động sản xuất đã ổn định; sản xuất điện an toàn, liên tục, kinh tế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất năm 2018, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô năm 2018 cho khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.
 
Hiệu quả kinh tế - xã hội
 
Theo ông Lý Tư Trí, 2 nhà máy của EVN đi vào hoạt động đã có nhiều đóng góp về kinh tế - xã hội. Về kinh tế, ngoài việc cung cấp sản lượng điện lớn; giảm áp lực truyền tải trên lưới điện 500kV Bắc - Nam; giảm tổn thất điện năng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh Bình Thuận trên 240 tỷ đồng.
 
Về mặt xã hội, đến nay, nhà máy đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương với 393 người, chiếm 58,92% tổng số lao động của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thông tin tuyên truyền. Hàng năm, công ty đã chi khoảng 600 triệu đồng tham gia các quỹ: Vì người nghèo, Quỹ tình thương, xây dựng và mua sắm trang thiết bị trường học… Riêng 4 tháng đầu năm 2018, công ty đã chi cho các hoạt động này 230 triệu đồng. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, cơ sở cộng đồng... cũng được công ty hỗ trợ đầu tư, làm thay đổi diện mạo khu dân cư, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân xung quanh khu vực nhà máy.
 
Song song với vận hành an toàn, liên tục, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã cải tiến, nâng cấp một số thiết bị để bảo đảm môi trường, nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ tro, xỉ; đồng thời mở cửa cho người dân tham quan, giám sát và truyền các thông số khí thải, camera theo dõi bãi xỉ than về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận công khai, minh bạch.
 
Ông Lý Tư Trí - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân: Không chỉ quản lý vận hành sản xuất an toàn, liên tục, hiệu quả kinh tế - xã hội; bảo đảm môi trường, công ty còn nỗ lực thực hiện chỉ đạo của EVN là đưa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân trở thành mô hình hiện đại, kiểu mẫu của cả nước.
Theo: Báo Công Thương