Nhiệt điện than và quá trình chuyển đổi xanh

Thứ tư, 4/12/2024 | 09:24 GMT+7
Sản xuất và cung ứng “điện xanh” là chủ trương lớn của Chính phủ tiến tới đưa phát thải ròng về “0” - tức là đưa phát thải khí carbon về “0” (Net zero). Để thực hiện mục tiêu này, kể từ sau cam kết tại COP26 (vào năm 2021), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, trọng tâm là chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng sạch. 

Bể lắng tại Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Theo các chuyên gia năng lượng quốc tế, việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang các giải pháp thay thế phát thải thấp sẽ giúp tránh phát thải khí CO2, đồng thời, tránh nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải mới. Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy nhiệt điện than có thể bao gồm việc bổ sung các cấu phần loại bỏ CO2 cho cơ sở nhiệt điện than hiện tại; Chuyển đổi lò hơi để giảm lượng khí thải CO2 hoặc tăng cường khả năng sử dụng đồng thời các loại nhiên liệu; Tân trang nhà máy nhiệt điện than cho các chế độ vận hành khác nhau như ngưng tụ đồng bộ để giúp ổn định hệ thống điện; Tân trang các cơ sở (và trạm biến áp đi kèm) của các nhà máy nhiệt điện than để sử dụng các công nghệ thay thế như quang điện, hệ thống năng lượng lưu trữ pin (BESS), điện gió (sử dụng vị trí làm điểm kết nối) hoặc lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMNR); và triển khai các công nghệ xanh đang nổi lên như H2 xanh, amoniac, metanol, v.v. có thể được triển khai độc lập hoặc sử dụng đồng thời trong các nồi hơi được cải tạo lại. 

Tại Việt Nam, Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) đã xác định “thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu”.

Hiện tại các nhà máy điện trong nước đang thực hiện những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi xanh. Tuân thủ nghiêm công tác vận hành các tổ máy trong mỗi ca trực để giảm tiêu hao nhiệt, tiết kiệm tài nguyên than là một trong những giải pháp “không tốn kém” được kỹ sư Nguyễn Văn Linh - Trưởng ca trực vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 chia sẻ.

"Giám sát chất lượng than để giám sát được nguồn nhiên liệu đầu vào của lò máy. Tức là có rất nhiều nguồn than, để đảm bảo được chất lượng vào máy thì phải trộn lại, hòa trộn với nhau để chất lượng than đồng đều hơn. Khi đó thì đảm bảo được cho lò máy chạy ổn định hơn, để đảm bảo được nguồn nhiên liệu thì sẽ đảm bảo được suất tiêu hao nhiệt, ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế của nhà máy".

Môi trường Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khói thải, khí thải, nước thải và tro xỉ thải đã và đang được các nhà máy điện có thời gian vận hành trên/dưới 20 năm như Uông Bí, Nghi Sơn, Quảng Ninh hay Cao Ngạn… triển khai. Dù nguồn vốn đầu tư không nhỏ, song cũng không phải quá khó khăn đối với doanh nghiệp. Vấn đề lớn nhất, cũng là thách thức lớn nhất cho các nhà máy nhiệt điện than chính là việc chuyển đổi nhiên liệu sang “xanh” gắn với việc phải trả lời được ít nhất 3 câu hỏi lớn, đó là việc nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra nguyên liệu phù hợp với công nghệ đó được tính đến ra sao về thời gian và chi phí? Thứ hai, đó là nguồn nguyên liệu như sinh khối và amoniac ở đâu và có đảm bảo không? Và thứ ba là giá nào - cho cả chi phí đầu tư, nguyên liệu và giá điện - để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi theo đúng lộ trình? Và hàng loạt câu hỏi khác nữa.

Từ quá trình triển khai các bước giảm phát thải, thực hiện lộ trình đưa phát thải ròng khí nhà kính về “0”, ông Nguyễn Việt Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh và ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn nêu thực tế, "việc giải quyết xử lý khí thải đạt quy chuẩn mới thì cũng đã thực hiện, những sau đó lại chuyển đổi nguồn nguyên liệu nữa thì cũng lại là khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư. Các bước đầu tư này thì cần phải có thời gian và có sự chuẩn bị cũng như nguồn lực. Ngay như việc xử lý khí thải đạt được tiêu chuẩn mới thì ít nhất là nó phải được hình thành trong giá điện. Mà đặc biệt nữa là về phía Công ty thì khi đầu tư những dự án này thì bình quân cũng khoảng 2500 tỷ, là một trong cái khó khăn cho các doanh nghiệp khi cải thiện điều kiện về môi trường càng ngày càng tốt hơn nên việc thu hồi qua giá điện là một trong những yếu tố sống còn của các doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn cho biết, "về công nghệ chúng tôi thấy đáp ứng được. Tuy nhiên, cũng cần phải có thời gian để thử nghiệm, đánh giá cũng như cho những phương án tiếp theo. Chúng tôi đang thấy khó nhất là chính sách về giá. Vì nguồn sinh khối đầu vào giá sẽ thay đổi, do vậy, chi phí sản xuất sẽ tăng, sẽ thay đổi nên chúng tôi cần nhất là cơ chế giá điện. Thứ hai là việc quy hoạch nguồn nguyên liệu, trong tương lai nguồn nguyên liệu này cũng ảnh hưởng đến từ xã hội cũng như cơ chế, chính sách để cho nguyên liệu này".

Chi phí đầu tư lớn; Chưa có nguồn nhiên liệu đảm bảo cho công tác vận hành lâu dài và ổn định; Chưa có cơ chế, chính sách về hỗ trợ giá chuyển đổi cho các NMNĐ than thực hiện đồng đốt sinh khối/amoniac để các nhà máy thử nghiệm, tìm kiếm đối tác cung cấp nhiên liệu lâu dài và ổn định… Và một điểm rất thách thức nữa được kể đến, đó là nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng trước mắt ảnh hưởng lớn tới quá trình chuyển đổi nhiên liệu và ngược lại. 

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình (Hội đồng khoa học Tạp chí năng lượng, Hiệp hội năng lượng Việt Nam) điểm tên một số nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm thuộc danh mục phải dừng hoạt động (nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu) là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 (gồm 4 tổ máy với tổng công suất 440MW) được khởi công xây dựng từ năm 1980, hoà lưới điện tổ máy đầu tiên vào ngày 28/10/1983) và Nhà máy điện Ninh Bình (có 4 tổ máy với tổng công suất 100MW) được khởi công từ năm 1971 vẫn đang phải phục vụ điện - nhất là thời gian cao điểm mùa khô ở miền Bắc.

Các nghiên cứu của Viện Năng lượng Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, Quy hoạch Điện VIII chưa có giải pháp bổ sung nguồn cho các Nhà máy nhiệt điện than trong trường hợp các nhà máy này lựa chọn phương án chuyển đổi thí điểm trước năm 2030 nên có thể xảy ra thiếu hụt công suất nguồn điện. Vì vậy, trong trường hợp những nhà máy lựa chọn chuyển đổi trước năm 2030 thì cần phải có những nghiên cứu sâu hơn để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng. 

Tiến trình chuyển đổi nhiên liệu, đưa phát thải ròng về “0” của các nhà máy nhiệt điện than với hàng loạt các khó khăn, thách thức phía trước đã được chỉ ra. Việc chưa có lộ trình chuyển đổi cho các NMNĐ than, dẫn đến khả năng chuyển đổi trước năm 2030 của các nhà máy là không cao nên cần phải sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các NMNĐ than. Cùng với đó, vẫn còn một số yếu tố không chắc chắn của Quy hoạch Điện VIII cần được điều chỉnh, bổ sung trong thời gian tới…

Nguyên Long