Nhiều gia đình có thói quen đặt một chậu nước lớn ngay dưới điều hòa. Ảnh: Hồng Anh.
Mùa hè khi bật điều hòa, chị Vũ Anh Thư (Hà Nội) thường để một chậu nước lớn, đặt ở dưới vị trí dàn lạnh. Theo chị Thư, việc làm này giúp không gian được làm mát nhanh hơn.
Những ngày nóng nực, chị Phạm Thu Thảo (Nam Định) cũng luôn đặt một chậu nước trong phòng vì chị tin rằng, nước trong chậu sẽ giúp không khí bớt khô. Các thành viên trong nhà sẽ không bị khô da, khô mũi hay khô mắt khi ngồi trong điều hòa quá lâu bởi thay vì hút ẩm từ cơ thể con người, điều hòa sẽ hút ẩm từ chậu nước.
"Tôi có con nhỏ mới chỉ mới 8 tháng tuổi, phải bật điều hòa suốt đêm. Ban ngày, cháu cũng ở trong phòng điều hòa suốt 3-4 tiếng buổi chiều. Tôi sợ con bị khô mũi, khô da nên thường làm cách trên", chị Thảo nói.
Cách đặt chậu nước trong phòng mà chị Thảo hay chị Thư áp dụng vốn được nhiều người truyền tai nhau, đặc biệt là trên các hội nhóm mạng xã hội. Đa số tin rằng, chậu nước đó sẽ giúp cân bằng độ ẩm của không khí tốt hơn. Với các gia đình không có điều kiện mua máy lọc không khí tạo độ ẩm thì đây là "một giải pháp hữu hiệu, tiết kiệm".
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, đây là cách làm vô nghĩa, không giúp ích gì mà chỉ tổn lích kích, vất vả.
Liên quan đến vấn đề này, GS. TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam cho hay, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt nam cũng như chế độ làm việc của máy điều hòa gia dụng hoặc văn phòng thì việc đặt chậu nước là không cần thiết.
Lý do là bởi, độ ẩm trong phòng điều hòa luôn nằm trong giới hạn tiện nghi cho phép là từ khoảng 40% đến 70%.
"Khi chọn mua máy điều hòa, nếu để ý ta có thể tìm được năng suất hút ẩm (in trong mục lục hướng dẫn của máy). Ví dụ, máy điều hòa 9000 BTU sẽ có khả năng tách ẩm 1,0 - 1,2kg ẩm/h; có máy tới 1,6kg ẩm/h.
Máy có khả năng tách ẩm càng nhỏ thì càng tốt. Độ ẩm trong phòng sẽ duy trì ở khoảng 60%. Máy có năng suất tách ẩm càng lớn thì độ ẩm trong phòng càng nhỏ, nhưng cũng ít khi xuống quá thấp dưới mức tiện nghi cho phép.
"Mùa hè, các gia đình không nên đặt chậu nước vì thông số độ ẩm khi chạy điều hòa không khí ở Việt Nam luôn nằm trong phạm vi cho phép. Vì vậy, việc đặt chậu nước trong phòng chỉ cần khi sử dụng điều hòa sưởi ấm mùa đông vì trong mùa đông, nhiều khi độ ẩm nhỏ hơn giới hạn cho phép", GS Lợi nhấn mạnh.
Một số người cho rằng, việc đặt chậu nước trong phòng có giúp tiết kiệm điện năng vì không khí nhanh được làm mát hơn.
Tuy nhiên, theo GS. TS Nguyễn Đức Lợi, điều này hoàn toàn không có ý nghĩa, thậm chí còn làm tăng điện tiêu thụ. Nguyên nhân là bởi điều hòa mất một lượng lạnh làm bốc hơi nước ở chậu rồi lại cho ngưng lại ở dàn lạnh.
Theo GS Nguyễn Đức Lợi, để một chiếc máy điều hòa vận hành tốt và tiết kiệm điện năng, chủ nhà cần lưu ý những điểm sau:
- Tính toán thiết kế chuẩn: Đủ tải lạnh.
- Chọn máy chuẩn: Các gia đình nên mua máy chính hãng, có thương hiệu nguồn gốc rõ ràng, máy có biến tần.
- Lắp đặt chuẩn: Sử dụng vật tư chính hãng, đúng chủng loại, được thực hiện bởi thợ có tay nghề, có đạo đức nghề nghiệp. Đường ống gas dùng là ngắn nhất, chênh lệch độ cao là nhỏ nhất.
Khi lắp đặt, phải yêu cầu thợ hút chân không, nạp dầu, nạp gas chuẩn, không có không khí ngưng, chọn vị trí lắp chuẩn, che nắng hợp lý cho dàn nóng và cửa sổ.
Cửa sổ nên có rèm che nắng bên trong, có thêm rèm bên ngoài càng tốt, đặc biệt là những cửa ở hướng Đông, Tây.
- Chọn đúng vị trí lắp dàn nóng: Lắp dàn nóng ở nơi thông thoáng, không bị gió quẩn, lấy được gió ngoài trời để làm mát dàn ngưng, không bị nắng nóng, bụi bẩn. Dàn nóng cần được đặt ở vị trí vững chắc, gần dàn lạnh, dễ dàng bảo dưỡng, sửa chữa.
- Chọn đúng vị trí lắp dàn lạnh: Dàn lạnh nên được lắp ở nơi có khả năng tỏa đều lạnh nhất, không bị vướng, gần dàn nóng nhất, chiều dài đường ống gas từ 3-5m, xả nước ngưng dễ dàng.
- Bảo dưỡng, sửa chữa máy: Máy bị bẩn, quá nhiều bụi sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của máy. Vậy nên, các gia đình cần đặc biệt chú trọng bước này, vệ sinh định kỳ, khắc phục kịp thời những hỏng hóc.
Link gốc