Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng (thứ 3 từ trái sang) khảo sát các địa điểm dự kiến đầu tư dự án điện khí tại BR-VT, đầu tháng 1/2019. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Hiện tỉnh đang được các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện khí quan trọng.
Thu hút nhiều tập đoàn lớn
Sau 2 năm nghiên cứu, giữa năm 2019, Tập đoàn Marubeni đã làm việc với UBND tỉnh chính thức đề xuất kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí LNG. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 200ha, với tổng công suất 4.800MW. Dự án này có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, quý II/2025 đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.
Theo đại diện Marubeni, nhu cầu điện ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở phía Nam. Nguồn than và khí nội địa của Việt Nam đang giảm dần trong khi nguồn thủy điện đã được khai thác hết, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập than cho phát điện từ năm 2015. Dự án điện khí LNG Long Sơn gần với TP.Hồ Chí Minh, trung tâm phụ tải điện lớn nhất Việt Nam, do đó rất cần thiết đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện cấp bách, đặc biệt là sau năm 2020.
Trước đó, năm 2018, UBND tỉnh và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ về cam kết và hỗ trợ đầu tư cho Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,39 tỷ USD. Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNGENCO 3 làm chủ đầu tư, là dự án sử dụng khí LNG để phát điện với quy mô công suất 3.600MW tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Nhà máy điện khí Long Sơn được xây dựng với mục tiêu nhằm góp phần giảm thiếu hụt nguồn điện, tăng cường khả năng cấp điện ổn định khu vực miền Nam nói chung và tỉnh BR-VT trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo.
Theo dự kiến, Trung tâm Điện lực Long Sơn sẽ bổ sung thêm 21 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia và nộp ngân sách khoảng 4.130 tỷ đồng/năm. Sau khi đi vào hoạt động cả 3 giai đoạn, tổng công suất của EVNGENCO 3 dự kiến tăng từ 6.540MW lên 10.140MW.
Đề xuất bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia
Tại buổi làm việc với Bộ Công thương đầu năm 2020, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay có 5 dự án điện khí LNG công suất lớn đề xuất đầu tư tại tỉnh gồm: dự án tổ hợp điện khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ có vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD, do Công ty Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone - Hoa Kỳ và Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất; dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn do EVNGENCO 3 đề xuất; dự án nhà máy điện khí LNG Long Sơn trong khu dầu khí Long Sơn do Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất; dự án nhà máy điện khí Bà Rịa do Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đề xuất; dự án nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3 trong KCN Phú Mỹ 1 do Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 đề xuất.
Tuy nhiên hiện nay, quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2020-2030) đang trong quá trình tổ chức lập quy hoạch nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thủ tục đầu tư và hiện vẫn đang chờ quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, Sở Công thương đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án đã hoàn thiện các thủ tục như dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn 3.600MW-4.500MW vào quy hoạch điện giai đoạn 2010-2020 (quy hoạch điện VII).
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt bổ sung dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (quy hoạch điện VII điều chỉnh). Ngoài dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương tiếp tục xem xét việc bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 4 dự án còn lại gồm: Nhà máy điện Bà Rịa 2, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3.1, Tổ hợp điện khí hóa lỏng LNG - Cái Mép hạ, Nhà máy điện khí LNG Long Sơn.
Đầu năm 2020, đoàn công tác của Bộ Công thương đã thực hiện khảo sát thực địa 5 dự án. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, BR-VT có điều kiện thuận lợi phát triển điện khí LNG công suất lớn. Do đó, Bộ Công thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với giai đoạn 1 của dự án Trung tâm điện lực Long Sơn (do Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc bổ sung quy hoạch). Đối với các dự án nguồn điện sử dụng LNG, Bộ Công thương đã chỉ đạo Viện Năng lượng cần tính toán xác định tỷ trọng, công suất của các dự án điện LNG đến năm 2030 và sau năm 2030 của cả nước cũng như công suất tối đa tại tỉnh để bảo đảm phát triển hệ thống điện ổn định.