Phóng sự

Nhớ về “Dấu chân người lính”

Thứ ba, 16/6/2020 | 10:10 GMT+7
Những học sinh, sinh viên được sinh ra từ những năm 1960 trở về trước, hầu như ai cũng đọc tiểu thuyết “Dấu chân người lính” (1972). 

Nắng nóng, gió Lào không ngăn được bước chân những người lính truyền tải điện (Truyền tải Điện Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tác giả Nguyễn Minh Châu đã dựng lên những khung cảnh rộng lớn và hào hùng của hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của các binh đoàn chủ lực, rồi những chiến dịch Khe Sanh - Tà Cơn long trời lở đất với những trận đánh ác liệt trên vùng đất Quảng Trị- địa đầu giới tuyến. Cùng với việc tái hiện bối cảnh và không khí lịch sử, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã tập trung khắc hoạ người lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau, đến với quân đội từ những vùng miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều mang những phẩm chất chung là lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng. 
 
“Dấu chân người lính” đã lý giải cội nguồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, lý giải nguyên nhân sâu xa làm nên những chiến thắng trước cuộc đụng đầu lịch sử khốc liệt bậc nhất trên hành tinh ở thời điểm bấy giờ- ở cái thời điểm mà một nhà thơ phải ngỡ ngàng “ Việt Nam - người là ai mà trở thành nhân loại”. Bây giờ, chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, những lần đi tuyến với lính truyền tải điện, tôi lại nhớ về hình ảnh “Dấu chân người lính” năm nào và liên tưởng đến tên gọi “lính truyền tải”. Những người lính trong thời chiến và những người lính trong thời bình, họ đều có chung một phẩm chất và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc và niềm say mê công việc. Vì vậy, tôi mạn phép lấy tên gọi của cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu để viết về những người lính truyền tải điện hôm nay.
 
Sự “lột xác” đáng mừng
 
=
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 kiểm tra an toàn hành lang tuyến đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ sau Tết Canh Tý- 2020, dịch covid-19 đang hoành hành ở một quốc gia cận kề và có chiều dài kilomet đường biên giới khá dài với nước ta đã cảnh báo về một giai đoạn khó khăn đối với những người làm công tác vận hành lưới điện truyền tải và quản lý các dự án lưới điện trọng điểm. Rồi điều gì đến đã đến, từ 1-4-2020, cả nước bước vào thời điểm đại dịch, cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại với thông điệp giản đơn mà sâu sắc “ở nhà là yêu nước”, nhưng với những người lính truyền tải thì không. Với họ, yêu nước là phải hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện đáp ứng nhu cầu cho người dân và bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, không để xảy ra sự cố trong điều kiện nắng nóng lên tới trên 40 độ C. 
 
Thế nên, phương án “cách ly” được xây dựng với các giải pháp nhằm đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải 220 - 500kV trên toàn quốc an toàn, tin cậy, ổn định.
 
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Nguyễn Tuấn Tùng nói, EVNNPT đã xây dựng 5 kịch bản ứng phó, kèm theo những tình huống giả định. Với mỗi kịch bản, EVNNPT đề ra các giải pháp thực hiện chi tiết, tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh mà các đơn vị sẽ linh hoạt xử lý để vừa đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất.
 
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành được EVNNPT triển khai mạnh mẽ trong những năm qua đã phát huy tối ưu trong mùa dịch bệnh này. EVNNPT đã chuyển được 60% số TBA 220kV sang vận hành không người trực, tiết giảm lực lượng lao động vận hành trạm, việc thao tác điều khiển được thực hiện từ xa bởi các trung tâm điều độ; việc triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong quản lý vận hành, kiểm tra đường dây giúp tiết giảm sức lao động và ngăn ngừa tai nạn do công tác trèo cao. Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, UAV cũng được sử dụng để phục vụ phun khử trung các trạm biến áp, không chỉ giảm thời gian so với phun thủ công, mà giải pháp này còn đặc biệt an toàn đối với những khu vực có yêu cầu cao về việc cách ly; EVNNPT triển khai họp từ xa qua hội nghị truyền hình, Zoom meeting, Microsoft Team, cũng như trao đổi, báo cáo qua Mail, Zalo, Viber,…
 
Đối với các dự án đầu tư xây dựng thì sự ảnh hưởng càng rõ nét hơn. Bởi tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thời gian xem xét, phê duyệt hồ sơ dự án ở các cấp, đến việc cung ứng vật tư thiết bị, do một số gói thầu thiết bị không thể cung cấp đúng hạn, một số thiết bị chưa thể lắp đặt bởi chuyên gia từ nước ngoài không đến đúng hẹn. Việc phê duyệt và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vốn đã chậm trễ nay lại càng chậm trễ hơn. Đội ngũ nhân lực thi công, giám sát trên công trường gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở…. 
 
EVNNPT đã phải tìm giải pháp xử lý, khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhất là đối với những dự án cấp bách, dự án đảm bảo điện. Như dự án nâng công suất TBA 500kV Nho Quan, do chuyên gia không thể sang để giám sát việc lắp đặt máy biến áp, EVNNPT đã phải thay đổi phương án, bằng cách lắp đặt máy biến áp dự phòng từ Trạm 500kV Phố Nối để vận hành. Dự án đã đóng điện trong tháng 4-2020, giải quyết quá tải cho MBA hiện hữu trong mùa hè nắng nóng.
 
Những dự án cấp bách đảm bảo giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo như TBA 220kV Ninh Phước, nâng công suất TBA 500kV Vĩnh Tân, EVNNPT tăng cường điều hành, đảm bảo nhân lực thi công và điều động thiết bị ưu tiên cho dự án để đảm bảo tiến độ đóng điện theo yêu cầu của EVN.
 
Chừng đó thôi đã thấy EVNNPT giờ đã đổi khác hơn so với thời gian đường dây 500kV mạch 1 mới vào vận hành nhiều rồi. Tuy vậy, trong trí tưởng tượng dẫu rất lạc quan, tôi vẫn không thể hình dung nổi sự chuyển mình đến kinh ngạc về quy mô lưới điện, hình thức quản lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Mới hay, năm tháng trôi qua, sự xoay vần chiếc bánh xe thời gian đã khiến mọi thứ vật đổi sao dời, đổi thay thật chóng vánh và ngoạn mục. Truyền tải điện của năm xưa và bây giờ quả thực là hai bức tranh khác biệt đến ngỡ ngàng. Nhưng, đó là sự lột xác đi lên thật đáng vui mừng.
 
Những con đường trên cát
 

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 2 bảo dưỡng lưới điện 220kV trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Năm nay nhuận hai tháng 4, lạnh kéo dài nhưng ngớt lạnh là nắng nóng ở nhiệt độ cao ngay. Ở miền Trung, nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến bây giờ và luôn ở nhiệt độ cao xấp xỉ hoặc trên 40 độ C. Bây giờ đang là tháng 6 dương lịch, suốt một dải dài từ Thanh Hóa và đến Bình Thuận, nắng khô rát, hừng hực như lò luyện thép khổng lồ. Cát trắng. Đặc sản của miền Trung là cát trắng. Hiếm có nơi nào trên thế giới lại nhiều cát trắng đến vậy. Có lẽ bởi vì thế mà nắng miền Trung chang chang. Mùa hè chân trần băng qua cát chẳng khác gì đi trên than nóng. Nắng hừng hực như giội lửa xuống những cồn cát thưa thớt bóng cây, gần xa chỉ xùm xòa đôi bụi phi lao cằn và mấy khóm hoa tứ quý màu hồng thắm rung rinh trong gió nóng. Những chiếc dép mo cau của vùng cát nghèo khó, thời xa xôi ấy, tôi cũng chưa bao giờ quên. Cái mo cau khô được cắt ra thành từng miếng hình chữ nhật sao cho vừa với cỡ chân mình rồi xỏ dây vào làm quai, thế là thành dép. Những đôi dép mo cau tự tạo rất thô sơ đó vừa nhẹ, vừa tiện lợi khi đi qua cát nóng.
 
Lính Truyền tải miền Trung luôn phải đi những con đường trên cát. Dấu chân của họ để lại trên cát thành đường. Những con đường như thế thường có tuổi đời rất ngắn. Nó sẽ không tồn tại sau một trận gió lớn. Gió Lào, gió bấc thậm chí cả gió nồm đều có thể khỏa lấp hết những dấu chân trên cát trắng miên man. Ngoài cát trắng còn có gió lào. Nắng nóng mà gió lại góp công thổi thêm nữa khiến cho nắng nóng tưởng như rát bỏng cả thịt da.
 
Đã có người đặt câu hỏi, Truyền tải điện khu vực miền Trung có gì vất vả hơn so với những nơi khác? Câu trả lời sẽ là: Không chỉ vất vả hơn mà còn nặng nhọc hơn, lao khổ hơn, nhiều mồ hôi, có cả máu, nước mắt và sự trăn trở hơn.
 
Miền Trung nổi tiếng còn bởi vùng đất có khí hậu khắc nghiệt với đủ các loại hình thiên tai tàn phá hằng năm, từ bão tố, lũ ngập, lũ quét, hạn hán, rét đậm, rét hại, lở đất, mất đồng… Dải đồng bằng hẹp như lá lúa nằm kẹp giữa một bên là vùng gò đồi choãi ra tận bể, một bên là miên man cát trắng. Sinh sống và làm việc trên vùng đất khó, phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những nơi khác.
 

Bữa trưa giữa rừng của những người lính truyền tải điện Phú Yên. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hiện nay, miền Nam đang phải tiếp nhận khoảng 20% công suất điện từ miền Bắc và miền Trung truyền tải vào nhằm đảm bảo nhu cầu phụ tải cho các tỉnh phía Nam. Để vận hành an toàn, liên tục và tin cậy hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam cũng như kết nối công suất các nhà máy điện khu vực miền Nam, thì các công ty truyền tải điện phải thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý vận hành. Đặc biệt đối với lưới điện 500 kV cấp điện cho miền Nam và các đường dây đấu nối với các nhà máy điện, truyền tải an toàn, ổn định, tin cậy từ các nhà máy điện đến các phụ tải, nhất là trong những tháng cao điểm nắng nóng khu vực miền Nam. 
 
Dù dòng điện truyền tải vào Nam hay ra Bắc thì dải đất miền Trung đều phải đảm nhận trách nhiệm của vùng đất đòn gánh cho hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất nước. Vì vậy, khi nhu cầu điện tăng cao sẽ gây ra áp lực lớn trên hệ thống lưới điện truyền tải và đặc biệt là lưới điện qua khu vực miền Trung. Những áp lực đó, không chỉ là quản lý vận hành các đường dây hiện hữu mà lớn hơn là xây dựng các đường dây để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế và nhu cầu sử dụng của nhân dân.
 
Để ngăn ngừa các sự cố do cháy, những người công nhân vận hành phải thường xuyên kiểm tra rà soát các đường dây đi qua rừng, nương rẫy, chủ rừng thu dọn thực bì, cành cây khô càng tránh xa đường dây càng tốt, tạo các đường băng chống cháy lan về phía đường dây. Vài năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ mới UAV bay giám sát hành lang, camera giám sát hành lang tuyến tại các khu vực xung yếu, dễ xảy ra cháy, thì việc vận hành của những người lính truyền tải đỡ phần nào nhọc nhằn. 
 

Truyền tải Điện Đắk Lắk sửa chữa thiết bị trạm biến áp 220 kV Krông Buk. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Còn vô vàn những công việc xung quanh công tác vận hành đường dây mà năm nào cũng phải triển khai thực hiện như “đến hẹn lại lên”, là:  Khuyến cáo người dân không thả diều, bắn pháo bay có dây kim tuyến, vật bay gần đường dây điện cao áp; chằng buộc cẩn thận các mái nhà lợp tôn, bạt che… tránh các vật liệu lợp nhà bay lên đường dây khi có gió lốc, gió mạnh; phương tiện thi công gần đường dây phải đảm bảo khoảng cách an toàn tới đường dây, tránh gây sự cố, làm hư hỏng đường dây…
 
Ở dải đất miền Trung này còn bão giông, lũ lụt, nắng lửa, gió Lào thì người lính truyền tải sẽ còn phải đối mặt với mối hiểm họa thường xuyên. Dải đất hẹp đến mức không thể hẹp hơn được nữa phải neo bám vào Trường Sơn để khỏi trôi ra biển cũng như chúng tôi dù đi về đâu cũng phải neo bám vào mẹ để còn xứ sở. Xứ sở từng được gọi là Ô châu ác địa, mấy phen bão lũ vùi dập bao lượt nhưng những thân cột điện vẫn đứng vững kết nối lưới điện giữa hai miền Nam- Bắc. Người lính truyền tải không sợ khó, không sợ khổ, chỉ lo dòng điện không được thông suốt. Những ngày đầu tháng 6, từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận là “miền nắng”. Lũ đến lũ sẽ đi. Bão đến bão sẽ tan. Hết nắng rồi sẽ mưa. Mồ hôi rơi rồi sẽ khô. 
 
Những người lính truyền tải từ tuyến trở về khi những tia nắng yếu ớt cuối cùng đã tắt sau đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Không gian núi rừng như chùng xuống, nghe thật yên ắng. Còn đó người lính truyền tải miền Trung vững vàng chung thủy và tôi chợt nhớ về tiểu thuyết “Dấu chân người lính”.
Thanh Mai