Nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng vọt, cảnh báo kiểm soát tiết kiệm điện

Chủ nhật, 6/4/2025 | 09:35 GMT+7
Sản lượng điện sinh hoạt của tháng 4 là cao nhất trong 3 tháng, cao hơn 15,83% so với tháng 3 và cao hơn gần 38,77% so với tháng 2. Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa phát cảnh báo nhu cầu dùng điện tăng vọt trong tháng 4 và sang tháng 5.

Tổng Công ty Điện lực TP.HCM dự báo, sản lượng điện sinh hoạt tháng 4 sẽ cao nhất trong 3 tháng. ẢNH: EVNHCMC

Theo EVNHCMC, trong tháng 3, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày của toàn thành phố đạt 86,97 triệu kWh/ngày, cao hơn 16,32% (tương đương 12,02 triệu kWh/ngày) so với tháng 2 là 74,76 triệu kWh/ngày. Trong đó, sản lượng điện sinh hoạt cũng tăng dần, đạt 42,64 triệu kWh/ngày, cao hơn 19,81% so với sản lượng điện sinh hoạt bình quân ngày của tháng 2.

Lý do là tháng 3 có 31 ngày và là tháng đầu tiên của chu kỳ nắng nóng, chưa có mưa. Nhiệt độ trung bình tháng 3 cao hơn tháng 2 dẫn đến việc người dân sử dụng máy lạnh nhiều khiến sản lượng điện sinh hoạt tháng 3 cao hơn tháng 2.

Tuy vậy,  EVNHCMC cảnh báo, tháng 4 là tháng đỉnh điểm của nắng nóng, thời tiết oi bức và chưa có mưa. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn thành phố dự kiến đạt 100,8 triệu kWh/ngày, cao hơn 34,83% (tương đương 26,04 triệu kWh/ngày) so với tháng 2 và cao hơn 15,8% (tương đương 13,83 triệu kWh/ngày) so với tháng 3.

"Do vậy, sản lượng điện sinh hoạt của tháng 4 là cao nhất trong 3 tháng, cao hơn 15,83% so với tháng 3 và cao hơn gần 38,77% so với tháng 2", EVNHCMC lưu ý.

Đáng lưu ý, trong thời gian tháng 4, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc sử dụng máy lạnh ở mức cao nhất trong năm. Ngoài ra, tháng 4 có 2 đợt lễ là Giỗ tổ Hùng Vương ngày 7.4 và lễ 30.4, EVNHCMC dự báo, ngày 28.4 tới sẽ là ngày có sản lượng điện sinh hoạt cao nhất trong năm 2025.

Sang tháng 5 thường là thời điểm có nền nhiệt cao nhất trong năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện ở mức đỉnh điểm. Với dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15%, mức tiêu thụ điện của thành phố có thể duy trì ở mức cao, nhưng dao động theo từng ngày tùy thuộc vào số ngày có mưa và nhiệt độ thực tế.

Trước tình hình trên, EVNHCMC lưu ý với hộ gia đình, điều hòa không khí có thể chiếm tới 50% tổng điện năng vào mùa nóng, đặc biệt khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35°C. Ngoài ra, tủ lạnh và các thiết bị điện khác cũng hoạt động nhiều hơn để duy trì hiệu suất, làm tăng mức tiêu thụ điện từ 20 - 30% so với các tháng còn lại. Trong sản xuất, các nhà máy phải vận hành hệ thống làm mát công nghiệp liên tục để đảm bảo điều kiện làm việc, dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng 10 - 15%. Nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến hiệu suất máy móc, khiến doanh nghiệp phải tiêu hao nhiều điện hơn để duy trì hoạt động ổn định. 

"Các giải pháp tiết kiệm điện như sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tối ưu hệ thống làm mát trong doanh nghiệp, và tận dụng năng lượng tái tạo là rất quan trọng. Việc kiểm soát tiêu thụ điện hiệu quả không chỉ giúp giảm chi phí mà còn góp phần đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định trong những tháng cao điểm", đại diện EVNHCMC lưu ý.

Link gốc

 

Theo: Thanh niên