Tin trong nước

Những công nhân nhiệt tâm với nghề

Thứ năm, 14/8/2014 | 15:10 GMT+7
Họ có sáng kiến chỉ vì mục đích bảo đảm an toàn lao động, tiết kiệm sức lao động cho công nhân ngành điện.
 
32 năm nỗ lực bám nghề, ông Sử Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cơ động Công ty Truyền tải điện miền Đông 2, liên tục cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị. Gần đây nhất là sáng kiến gia công bộ căng kéo đường dây 500 KV Đắk Nông - Phú Lâm được áp dụng hiệu quả từ năm 2012 đến nay.
 
Vì sự an toàn của công nhân
 
Công nhân (CN) sửa chữa đường dây cao thế luôn phải làm việc ở độ cao hơn 50 m; nếu thời gian làm việc kéo dài thì sức khỏe nhanh chóng giảm sút, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ông Dũng luôn trăn trở làm sao rút ngắn thời gian thi công tại hiện trường. Sáng kiến gia công bộ căng kéo đường dây 500 KV Đắk Nông - Phú Lâm ra đời vì lý do trên. Trước đây, mỗi lần căng chỉnh lại dây của 1 pha điện (4 dây điện/pha), công ty phải cắt điện 3 ngày; CN tốn nhiều công sức, thời gian để kéo từng dây nên thường xuyên phải tăng ca. Đúc kết kinh nghiệm ở hiện trường, ông và đồng nghiệp sử dụng vật liệu và thiết bị có sẵn (sắt, thép, tôn…) chế tạo thiết bị kẹp 4 dây điện để kéo căng 1 lần. Việc kiểm định sáng chế được thực hiện kỹ lưỡng nhằm giảm rủi ro cho người lao động.
 
Ông Sử Văn Dũng (bìa phải) đôn đốc công nhân thi công ở hiện trường.
 
“Cả nước chưa có đơn vị nào sáng chế ra cách thức này nên tôi rất hồi hộp khi đưa thiết bị vào thử nghiệm. Tôi và đồng nghiệp phải tính đến khả năng rủi ro nhỏ nhất để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho CN” - ông Dũng nhớ lại. Tháng 10-2012, sáng kiến được ứng dụng thành công tại đơn vị và nhân rộng trong ngành điện. Sử dụng thiết bị mới, CN chỉ tốn 1 ngày để thi công 3 pha điện (12 dây điện). Nhờ vậy, công ty giảm tối đa thời gian cắt điện, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động của doanh nghiệp (DN).
 
Ông Trương Thái Sơn (trái) và đồng nghiệp kiểm tra đường dây.
 
Không chỉ tích lũy kiến thức, nghiên cứu sáng kiến, người thợ ấy còn nhiệt tình truyền nghề cho CN. Nhiều năm qua, ông đã phối hợp với DN tập huấn an toàn lao động, nâng cao tay nghề cho 200 lượt CN. Ông chia sẻ: “Thi công đường dây cao thế là công việc nhiều rủi ro. Vì vậy, tôi mong CN được trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình”.
 
Sáng kiến “độc nhất vô nhị”
 
Một người thợ điện khác cũng từng “nếm mật nằm gai” khi thi công lưới điện là ông Trương Thái Sơn, Tổ phó Tổ 1 Đội Quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn. Chính từ những vất vả của nghề mà ông luôn nghĩ cách phải cải tiến để giảm bớt nhọc nhằn cho mình và đồng nghiệp. Năm 2012, sáng kiến “Sử dụng lỗi thép tole Silic chữ E 0.35 mm để làm lõi TI rời 600/5A phù hợp với ampe kế 600/5A có kim phụ” của ông và đồng nghiệp đã tạo bước đột phá trong công tác theo dõi, quản lý lưới điện.
 
Ông kể trước đây việc dùng thiết bị TI đo đếm cố định để xác định dòng phụ tải khiến bộ phận kỹ thuật phải ngắt điện trong thời gian dài để tháo lắp TI. Do vậy, hoạt động sản xuất của DN và cuộc sống người dân trong khu vực kiểm tra bị ảnh hưởng không ít. Thấy vậy, ông tìm cách khắc phục tình trạng trên. Sau thời gian dài nghiên cứu, thí nghiệm, ông và đồng nghiệp cải tiến thành công TI cố định thành dạng rời. Ông Sơn giải thích: “Vì thiết bị mới dễ dàng tháo ráp nên có thể đo đếm mạch điện bất kỳ để xác định được dòng phụ tải. Sáng kiến trên giúp công tác xử lý sự cố diễn ra nhanh chóng, thuận lợi; đồng thời giúp CN giảm hẳn thời gian kiểm tra phụ tải vào ban đêm”.
 
Để phục vụ công việc và tiết kiệm cho đơn vị, ông hay mày mò cải tạo, sửa chữa thiết bị hư hỏng để tái sử dụng. Nhiều CN cho biết các vật dụng hư hỏng đã “qua tay” ông không chỉ phục hồi chức năng mà còn được cải tiến để phù hợp hơn với thực tế, giúp tiết kiệm chi phí. Những lúc rảnh rỗi, ông lại đến kho chứa dụng cụ của mình nghiên cứu máy móc, vật tư. Hình ảnh người CN nhỏ nhắn, tóc đã hoa râm kiên nhẫn, cặm cụi tháo ra rồi lắp lại các bộ phận của từng thiết bị khiến nhiều CN trẻ không khỏi khâm phục. 

Tự hào thợ cả
 
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TP HCM, những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật dù là kìm nhỏ hay máy đo đạc đắt tiền… đều có giá trị làm lợi không thể tính bằng tiền mà phải tính bằng mồ hôi, công sức của CN. “CN ngành điện luôn tự hào vì có những người thợ cả như anh Dũng, anh Sơn truyền lửa. Các anh xứng đáng là trụ cột, đầu tàu cho thế hệ trẻ học tập” - ông Minh khẳng định.
 
Theo: Người Lao động