Tiến độ công trình

Những công trình thuỷ điện hối hả trước mùa mưa bão

Thứ tư, 15/7/2009 | 14:43 GMT+7

Từ "trái tim" Nhà máy Thuỷ điện A Vương

Công trình thuỷ điện đầu tiên ở thượng nguồn hệ thống sông Thu Bồn và Vu Gia, phát điện hoà vào lưới điện quốc gia, đó là Thuỷ điện A Vương. Nhà máy nằm lọt thỏm giữa cánh rừng xanh bạt ngàn của Đông Trường Sơn, thuộc địa phận xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam.

Chúng tôi đến công trình thuỷ điện trọng điểm của ngành Điện Việt Nam, có tổng mức đầu tư 3,509 tỉ đồng này, cùng với kỹ sư trẻ Nguyễn Đức Hoàng Vũ, chuyên viên Văn phòng Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương. Khi đã vượt trên trăm cây số đường rừng, đặt chân tới nơi, mới hay nhà máy vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Ấy vậy mà từ cuối năm 2008, nhà máy đã lắp đặt xong 2 tổ máy cùng những thiết bị liên quan, đưa vào vận hành và đã đạt nhiều kết quả đáng kể…

Tại phòng điều khiển trung tâm là trái tim của Nhà máy Thuỷ điện A Vương, chúng tôi được kỹ sư Nguyễn Minh Phong, một trong số 5 trưởng ca, luân phiên trực ở đây, cho biết: Nhà máy thiết kế 2 tổ máy, với công suất 210MW.

Trong năm 2008, sản lượng điện của 2 tổ máy đạt 168 triệu KWh; năm 2009 tính tới ngày 10/7, đã đạt 465 triệu KWh (điện lượng hằng năm 815 triệu KWh), góp phần cung cấp cho miền Trung một sản lượng điện đáng kể...

Đến công trình thuỷ điện Sông Tranh 2

Nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh 2 nằm ở huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam), cũng là một công trình có qui mô lớn nằm trên hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia. Nhà máy có công suất lắp máy 190MW, điện lượng trung bình hằng năm 679,6 triệu KWh, vẫn đang còn trong quá trình thi công.

Đưa chúng tôi lên thuỷ điện Sông Tranh 2, ông Trần Đức Mậu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng thuỷ lợi 4, đơn vị thi công công trình này, cho biết: Công trình có điện tích lưu vực 1.100km2, dung tích hồ chứa đến 733,4 triệu mét khối nước.

Hơn ba năm trước, vào ngày 5/3/2006, công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 chính thức khởi công. Một năm sau, 14/3/2006, Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 (EVN) đã tổ chức lễ chặn dòng. Hiện nay, mỗi ngày có mặt trên công trường trên 1.000 công nhân khẩn trương lao động ngày, đêm. Theo tiến độ thì vào đầu tháng 5/2010, công trình tích nước và cuối năm 2010, hai tổ máy sẽ chính thức phát điện…

Theo chân kỹ sư Huỳnh Lượm, Phó Giám đốc Ban điều hành công trình thuỷ điện Sông Tranh 2, chúng tôi dạo quanh một vòng từ con đập chính cắt ngang dòng sông Tranh đến nhà máy trong một hẻm núi cách đó hơn 5km.

Tại con đập chính, kỹ sư Lượm quả quyết việc thi công bê tông đầm lăn khác với thi công đập chính của thuỷ điện A Vương. Nếu ở công trình đập chính A Vương, vữa bê tông đầm lăn chỉ có 50% cát xay (đá xay thành bột), còn lại là cát xây dựng lấy từ sông và xi-măng được trộn bằng nước lạnh từ 3-5 độ C, thì ở Sông Tranh 2 sử dụng toàn bộ bằng cát xay. Loại vật liệu này trộn với xi măng trong trạm lạnh công nghệ Mỹ sản xuất đá vảy âm 10 độ C (400 tấn/ngày) và bê tông được đưa ra băng tải dài 450m chuyển thẳng tới hiện trường thi công.

Bằng công nghệ hiện đại này, tiến độ thi công sẽ nhanh hơn và đảm bảo kỹ thuật cao hơn. Do đập chính đã thi công lên được trên 34m nên mùa lũ năm nay cho phép nước lũ tràn qua đập. Vấn đề quan trọng là định hướng dòng nước lũ đi đúng giữa dòng sông Tranh để khỏi xói lở đôi bờ. Vì vậy, trên 700 công nhân thi công đập chính đang tích cực làm việc để nâng cao hai bên lên 10m, để ở đoạn giữa 120m như hiện trạng cho nước lũ tràn qua…

Kỹ sư Lượm khẳng định: So với công trình thuỷ điện A Vương thì thuỷ điện Sông Tranh 2, thời tiết cũng là trở ngại lớn cho công tác thi công. Vì tại núi rừng Bắc Trà My, hằng năm có đến 200 ngày mưa và lượng mưa rất lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, các nhà thầu trong tổ hợp công trình mốc phát điện tổ máy số 1 vào quý 4 năm 2010 và khánh thành vào tháng 6/2011 .

Theo: CAND