Tổng vốn đầu tư cho hai nhà máy là hơn 1.200 tỷ đồng, do EVN làm chủ đầu tư, đơn vị tổng thầu là Công ty Công trình thủy lợi 4.
|
Hầm dẫn nước Thủy điện Đồng nai 4 |
Sau thời gian gặp khó khăn về vốn, đến thời điểm này việc thi công xây dựng hai nhà máy đã tiếp tục. Kỹ sư Ðoàn Minh Quảng, Trưởng ban an toàn của LILAMA 45.1 nói với chúng tôi: Chưa có nhà máy nào mức độ nguy hiểm lở đất trên đường vào nhà máy cao như đường vào thủy điện Ðồng Nai 3 và Ðồng Nai 4. Chúng tôi đến Nhà máy thủy điện Ðồng Nai 3 chiều 21-5. Tại đây, tuyến ống áp lực đã đào xong, hầm đã thông nằm gọn trong lòng núi. Trên công trường, các kỹ sư, công nhân Công ty cổ phần LILAMA 45.1 dùng xe đầu kéo Tăc-poóc chở những khoang đường ống dài 6m, đường kính 7m nặng hơn 25 tấn lên cửa hầm trên đỉnh núi, sau đó dùng pa-lăng tời tó, thả theo ray xuống đáy hầm có dốc xiên 45 độ, lắp đặt dần từ dưới lên. Trong hầm không có ánh sáng trời, ở đây ngày cũng như đêm đều phải sử dụng ánh sáng điện máy phát.
Gặp kỹ sư trưởng Nguyễn Xuân Tùng dưới hầm sâu 80m người dính đầy bùn, đất, anh cho biết: Ðể lắp đặt các khoang đường ống này chúng tôi phải tìm những biện pháp tối ưu, an toàn nhất, trung bình từ ba đến năm giờ sẽ lắp xong một khoang đường ống, khi lắp xong được ba khoang, tiến hành hàn và đổ bê-tông chờ đông cứng sẽ lắp tiếp. Dự kiến trong sáu tháng đơn vị sẽ lắp xong hệ thống đường ống áp lực Nhà máy thủy điện Ðồng Nai 3 có tổng chiều dài hơn 300m.
Tại Nhà máy thủy điện Ðồng Nai 2, đơn vị thực hiện hợp đồng lắp đặt gần 10 nghìn tấn thiết bị, hiện nay những thiết bị khó, chìm sâu trong lòng đất với khối lượng khoảng 1.000 tấn đã lắp đặt xong. Tiếp theo sẽ lắp đặt các thiết bị thủy lực như tua-bin, máy phát, thiết bị điện, trạm và đường dây... Hiện nay, lực lượng thi công trên công trường đã hoàn thành một số công việc quan trọng: buồng xoắn số 1 đã lắp và hàn thử áp xong, buồng xoắn số 2 đang trong quy trình thử áp.
Kỹ sư Phạm Bùi Nam Liên, người đã từng tham gia thi công nhiều công trình điện cho biết: Ở mỗi công trình thi công đều có những phức tạp khó khăn riêng, nhưng với các công trình thủy điện thì khó khăn hơn nhiều, vì phải thi công ở địa bàn rừng núi, xa dân, xa thành phố. Ðiện thoại di động nhiều khi cũng không có tín hiệu, chỉ đạo thi công chủ yếu bằng máy bộ đàm. Không những vậy, mặt bằng thi công ở đây vô cùng chật hẹp, những công việc rất nhỏ giữa xây và lắp luôn phải chờ đợi nhau, chưa kể đôi khi gặp điều kiện mưa bão, nước rò rỉ hay ngập lụt, lúc đó việc đáp ứng tiến độ vô cùng khó khăn, phức tạp. Vượt lên bằng sức mạnh quyết tâm của chính mình, các kỹ sư, công nhân lành nghề của Công ty cổ phần LILAMA 45.1 quyết tâm hoàn thành khối lượng thi công theo đúng tiến độ đề ra, phấn đấu đưa tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Ðồng Nai 3 vào hoạt động tháng 10-2010 và tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Ðồng Nai 4 phát điện vào tháng 4-2011.
Ngày 25-5, chúng tôi có mặt tại công trình Nhà máy thủy điện Ðồng Nai 4, hố móng hai cổ hút đã được công nhân LILAMA 45.1 lắp xong. Chiếc cần trục 60 tấn bánh xích bò từ trong đường hầm sâu cả trăm mét ra tận đáy công trình để lắp đặt thiết bị của nhà máy. Kỹ sư Nguyễn Trọng Trường cho biết: Tại công trình này LILAMA 45.1 lắp đặt hơn 15 nghìn tấn thiết bị, trong đó thiết bị thủy công là 7.000 tấn, thiết bị cơ điện 8.000 tấn.
Trở vào Văn phòng Ban chỉ huy điều hành công trình thủy điện Ðồng Nai 4, Tổng Giám đốc, Bí thư Ðảng ủy Công ty cổ phần LILAMA 45.1 Hoàng Xuân Lập tâm sự: Chúng tôi lên công trình vì mục đích: Tranh thủ chiều chủ nhật triển khai chương trình học tập Nghị quyết 9 khóa 10 của BCH T.Ư, mặt khác đúc rút kinh nghiệm thi công các công trình như lọc dầu Dung Quất, điện Cà Mau, điện Ô Môn và điện Nhơn Trạch 1... Ðồng thời kiểm tra tình hình tiến độ thi công của công trình này và phát động phong trào thi đua. Năm 2009, tình hình thị trường có nhiều khó khăn, nhưng công ty phấn đấu đạt doanh thu 580 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2008. Bí thư chi bộ đơn vị thi công tại công trình Thái Văn Thân nhận xét, mặc dù địa bàn thi công xa dân cư, xa chợ, thiếu thốn nhiều về tinh thần cũng như vật chất nhưng cán bộ, đảng viên, đoàn viên vẫn thi đua lao động với năng suất và chất lượng cao nhất, bảo đảm tiến độ xây dựng công trình theo cam kết với chủ đầu tư.