Diễn đàn năng lượng

Ninh Thuận: Hoàn thiện cơ chế để sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Thứ hai, 12/10/2020 | 14:47 GMT+7
Ngày 12/10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tại địa phương.
Ninh Thuận: Hoàn thiện cơ chế để sớm trở thành trung tâm năng lượng tạo
Ninh Thuận mong muốn sớm trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo (Ảnh minh hoạ).

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận có nguồn năng lượng gió lớn nhất trong cả nước, tốc độ gió trung bình trên 7m/s ở độ cao 65m trở lên; tương tự với điện mặt trờ, với giá trị tổng bức xạ vào khoảng 5,5kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.800h, thời gian chiếu sáng dài đồng đều. Chính vì vậy các nhà đầu tư đã tích cực đầu tư NLTT vào Ninh Thuận.
 
Đến nay đã có 10 dự án điện gió được cấp quyết định đầu tư, 3 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất gần 300MW. Tính đến tháng 6/2020, Ninh Thuận có 34 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.343MW được cấp quyết định đầu tư với tổng số vốn trên 62.000 tỷ đồng. Trong đó có 21 dự án vận hành thương mại đã phát điện trên hệ thống quốc gia với tổng công suất 1.339MW, dự kiến đến năm 2020 tiếp tục có 10 dự án đưa vào vận hành với công suất 784MW.
 
Ninh Thuận: Hoàn thiện cơ chế để sớm trở thành trung tâm năng lượng tạo
Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu khai mạc.
 
Tại hội thảo nhiều nhóm vấn đề đã được đưa ra, thảo luận. Đơn cử như việc thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 13.000 MW điện sản xuất (trong đó có Ninh Thuận) với sản lượng 30 tỷ kWh bán lên lưới truyển tải quốc gia. Vậy Quy hoạch điện VIII có đủ năng lực để giải phóng hay không?; Hay làm thế nào để các dự án điện tại Ninh Thuận cạnh tranh được trong thị trường điện, trong đó có việc tối ưu hoá lưới điện dùng chung thu gom công suất các nhà máy điện NLTT trên địa bàn tỉnh, tích hợp với lưới điện do EVN hiện đang sở hữu và vận hành. Vấn đề được đặt ra là các nhà đầu tư cần hỗ trợ, ưu đãi những gì, ví dụ như đất đai, nguồn vốn, các trình tự thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư..?
 
Một vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận là các nhà đầu tư có sẵn sàng đầu tư vào lưới điện dùng chung để góp phần nâng cao khả năng truyển tải thu gom công suất các nhà máy điện NLTT trong đó có nhà máy của chính mình không? Cơ chế đầu tư, thu hồi vốn của các dự án truyền tải do tư nhân đầu tư sẽ được thực hiện như thế nào, và vai trò, trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở đâu trong tiến trình này.
 
Theo các chuyên gia, hiện nay Ninh Thuận đã có cơ chế khá tốt về môi trường đầu tư để phát triển NLTT, tuy nhiên khi xem xét phát triển NLTT cũng cần cân đối để phát triển các mô hình kinh tế khác, có ảnh hưởng đến đời sống xã hội của bà con không, tỷ lệ phác thải, ảnh hưởng về môi trường….
 
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, có 2 vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm đó là quy hoạch và cơ chế. Hiện có nhiều nhà máy từ 10 đến 20MW, nhưng nhà máy trên 100MW còn thiếu, chúng ta nên quy hoạch phát triển vùng NLTT sâu và rộng để các nhà đầu tư thấy được họ có thể đặt bản doanh của mình và tập trung nguồn lực lớn cho một dự án. Bên cạnh đó, việc giải toả công suất cũng cần được chuẩn bị để phù hợp với sự phát triển nguồn điện. Từ Quyết định 11 đến Quyết định 13/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo ra nhiều cuộc đua xong cơ chế cần mang tính ổn định chứ không thể chạy đua mãi khiến doanh nghiệp đuối sức.
 
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, bà Đinh Tâm Hiền – nguyên Tham tán đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, về triển vọng phát triển NLTT của Việt Nam đang được các nhà đầu tư đánh giá là khá hấp dẫn, bên cạnh việc nhu cầu phát triển nhanh của điện năng, nguồn NLTT dồi dào còn được sự quan tâm của Chính Phủ.
 
“Với giá thành hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ, tôi cho rằng đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên cần có chính sách dài hạn, khắc phục những tồn tại hiện hữu về hệ thống truyền tải, thủ tục đầu tư, vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn…” – Bà Hiền chia sẻ.
 
Cũng theo bà Hiền, để Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm NLTT của cả nước, cần xem xét một cách tổng thể, khoa học và mang tính bền vững từ vấn đề quy hoạch, công nghệ, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Bên cạnh đó, cần hình thành tổ hợp, trung tâm sản xuất tấm pin, lưu điện, đơn vị tái chế pin đã qua sử dụng…. Có như vậy, Ninh Thuận mới trở thành trung tâm NLTT đúng nghĩa và phát triển bền vững.
 
Kết luận tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh, NLTT là động lực để Ninh Thuận phát triển, "tuy nhiên chúng tôi muốn thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác liên quan để Ninh Thuận có thể phát triển bền vững. Trên cơ sở các tham luận, ý kiến tại hội thảo, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách một cách cụ thể cũng như phát triển có định hướng hài hoà giữa năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, bất động sản… để đưa Ninh Thuận sớm trở thành trung tâm NLTT của cả nước"- ông Hậu cho biết.
Theo: Báo Công Thương