Diễn đàn công nghệ và năng lượng là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2017. Năm nay, chương trình được tổ chức với mong muốn gắn kết các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ trong việc phát triển bền vững kinh tế đất nước cũng như vấn đề an ninh năng lượng, hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua con người và công nghệ.
Tham gia Chương trình có đại diện Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, đại diện các một số Tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ và Năng lượng cùng khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghệ năng lượng. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PVPower).
Diễn đàn là hoạt động nằm trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đặt ưu tiên cao cho việc đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030. Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Mục tiêu là hướng tới phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Chương trình sẽ là cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lí nhà nước về công nghệ, năng lượng tới các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang có quan tâm đặc biệt đến thị trường năng lượng Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cùng với đó là kết nối hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài.
Theo: Nhịp sống kinh tế