Diễn đàn năng lượng

Quá tải lưới điện: Vừa bớt căng, đã lại lo

Thứ năm, 17/9/2020 | 13:45 GMT+7
Tình trạng “nghẽn” lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận đã bớt căng, sau khi một số dự án truyền tải đưa vào vận hành đã “hà hơi tiếp sức”, giúp cho các dự án điện mặt trời (ĐMT) phát được điện lên lưới. 

Đường dây 500 kV sẽ kết nối từ TBA đến điểm chuyển Vân Phong-Vĩnh Tân dài 2km và từ điểm chuyên Vân Phong - Vĩnh Tân kết nối nhiệt điện Vĩnh Tân dài 13,5 km. 
 
Song, nguy cơ tắc nghẽn lại tiếp tục báo động và có thể lặp lại tình trạng quá tải, khi có thêm nhiều dự án điện gió đang “chạy đua”bổ sung một lượng điện khá lớn vào hệ thống.
 
Điện mặt trời “bớt căng”
 
Cuối tháng 6-2020, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành TBA 220 kV Ninh Phước và đấu nối. Đây là dự án rất quan trọng được xây dựng tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có mục tiêu thu gom công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong khu vực hai tỉnh này để truyền tải lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh thành phía nam. Công trình được đóng điện ngày 29-6-2020, giúp giải tỏa hơn 300 MW nguồn NLTT trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia.
 
Theo đại diện EVNNPT, hiện đơn vị đang phấn đấu để hoàn thành giai đoạn 2 của dự án trong quý III năm 2020. Trước đó, EVNNPT đã đưa dự án Nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân (Bình Thuận) hoàn thành vượt tiến độ được giao. Dự án được khởi công ngày 29-2, đến ngày 17-4, EVNNPT đóng điện vận hành MBA AT1-500 kV- 900 MVA vượt tiến độ 73 ngày, ngày 28-5 đóng điện vận hành MBA AT2 500 kV- 900 MVA vượt tiến độ 32 ngày theo kế hoạch giao.  
 
Việc đóng điện đưa vào vận hành hai MBA vượt tiến độ kế hoạch được giao làm tăng khả năng truyền tải cho hệ thống, giúp giải tỏa nguồn nguồn NLTT trong khu vực và giảm tổn thất điện năng, ước tính làm lợi khoảng 80 tỷ đồng.
 
Theo báo cáo khả năng giải tỏa công suất các nguồn NLTT và bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, thời gian qua, tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, do các nguồn điện NLTT được đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian rất ngắn và tập trung mật độ lớn nên gây ra tình trạng quá tải lưới điện.    
 
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, EVN cùng các đơn vị thành viên tập trung mọi nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT.
 
Theo đó với 21 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV đã được đưa vào vận hành, phục vụ giải tỏa các nguồn điện NLTT với tổng chiều dài đường dây trên 750 km và các trạm biến áp (TBA) tổng dung lượng 5.025 MVA.
 
Ngoài ra, với việc dự án TBA kết hợp đường dây 500 kV do Trungnam Group đang thực hiện tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã triển khai thành công và chuẩn bị đưa vào vận hành. Đường dây 500 kV sẽ kết nối từ TBA đến điểm chuyển Vân Phong-Vĩnh Tân dài 2km và từ điểm chuyên Vân Phong-Vĩnh Tân kết nối nhiệt điện Vĩnh Tân dài 13,5 km.
 
Đây là dự án quan trọng đầu tiên do tư nhân thực hiện, góp phần giải tỏa công suất các nhà máy ĐMT tại Thuận Nam và các nhà máy điện NLTT khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Mô hình do tư nhân thực hiện này đã, đang được nghiên cứu xem xét nhân rộng tại các tỉnh vừa triển khai các dự án ĐTM, điện gió như Trà Vinh, Đắk Lắk, Gia Lai...
 
Hiện nay, EVN đang phối hợp với UBND các tỉnh và tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới trọng điểm với mục tiêu trong năm 2020 sẽ giải tỏa hết công suất các dự án NLTT đã vận hành trước 30-6-2019 (hiện chỉ còn 11 dự án NLTT, với tổng công suất khoảng 360 MW) và một số dự án nguồn ĐMT đã ký Hợp đồng mua bán điện dự kiến đưa vào phát điện năm 2020.
 
Tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng mới đây, một số chủ đầu tư dự án ĐMT cho rằng, hiện tại một số dự án cũng đã bớt lo lắng hơn về việc quá tải lưới điện.
 
Nỗi lo... điện gió “bùng nổ”
 
Tình hình quá tải lưới điện cho ĐMT ở Ninh Thuận, Bình Thuận được vơi bớt nỗi lo. Nhưng nguy cơ có thể lặp lại khi điện gió đến thời kỳ chạy đua. Theo EVN, tổng công suất các nguồn ĐMT đã đưa vào vận hành và các dự án đáp ứng tiêu chí tại Quyết định số 13/QĐ-TTg là 8.500 MW. Ngoài ra, còn có 4.800 MW các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch. Như vậy, tổng cống suất các nguồn NLTT là 13.300 MW.
 
Khi mới chỉ xem xét tính toán khả năng giải tỏa công suất đối với 13.300 MW này, EVN thấy rằng: Với kết cấu lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025 cơ bản có thể đáp ứng giải tỏa. Tuy nhiên, trong trường hợp toàn bộ các dự án được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2023 sẽ xuất hiện quá tải cục bộ tại một số khu vực tương ứng khoảng 20-35% tổng công suất đặt không giải tỏa được.   
 
Có nghĩa, tổng công suất nguồn điện NLTT có thể giải tỏa được là 11.000 MW (năm 2021) và tăng lên 11.745 MW (năm 2023). Tổng công suất nguồn điện NLTT không giải tỏa được do hạ tầng lưới điện không đáp ứng kịp tiến độ năm 2021 là 2.300 MW và năm 2023 là 1.555 MW, chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ.
 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch, tập trung chủ yếu tại các khu vực: Quảng Bình - Quảng Trị (820 MW), Tây Nguyên (2.433 MW), Ninh Thuận (365 MW) và Tây Nam Bộ (3.167 MW)...
 
Qua tính toán, EVN đánh giá sau khi bổ sung 7.000 MW các dự án điện gió thì khả năng xảy ra tình trạng không giải tỏa hết công suất. Theo đó, công suất không giải tỏa được tại các khu vực như sau: Khu vực Tây Nam Bộ công suất không giải tỏa được đến năm 2021 là 1.640 MW và đến năm 2023 là 590 MW. Khu vực Tây Nguyên công suất không giải tỏa được đến năm 2021 là 1.576 MW và đến năm 2023 là 660 MW; tỉnh Ninh Thuận là 365 MW; tỉnh Quảng Trị là 321 MW.
 
Do đó, EVN đề nghị Bộ Công thương giao Viện Năng lượng tính toán xem xét tổng thể về quy hoạch tiềm năng các nguồn NLTT tại các khu vực, trong đó cân đối phù hợp việc phát triển các loại hình nguồn điện khác. Đồng thời, có lộ trình cụ thể và tiến độ các dự án đã bổ sung quy hoạch cần đưa vào trong từng năm để bảo đảm đồng bộ và tối ưu giữa phát triển nguồn điện và lưới điện không để xảy ra tình trạng quá tải phải giảm phát. 
 
Song song với đó, EVN đề nghị xem xét trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cần thiết để bảo đảm giải tỏa các nguồn NLTT mới được bổ sung quy hoạch.
 
EVN cũng muốn xây dựng cơ chế để Chủ đầu tư các nguồn điện thực hiện đầu tư kết hợp các dự án nguồn và lưới điện truyền tải đồng bộ đấu nối đến các điểm nút/đường trục thu gom thuộc lưới điện của EVN để giảm áp lực đầu tư lên EVN cũng như đáp ứng tiến độ đồng bộ các nguồn điện.
 
Tính đến cuối tháng 8-2020, tổng công suất các nguồn điện gió và ĐMT đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW, trong đó: ĐMT khoảng 11.200 MW; điện gió khoảng 11.800 MW...
 
 
Theo: Báo Nhân dân