Công nhân Điện lực huyện Yên Minh (Hà Giang) khảo sát cấp điện cho các thôn biên giới.
Trước đây, rất nhiều thôn vùng cao ở tỉnh Hà Giang chưa có điện quốc gia. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, cũng như việc nâng cao đời sống người dân. Tại một số địa phương, người dân phải dựa vào các nguồn điện tạm thời, dẫn đến chất lượng điện không ổn định, chi phí cao.
Trong những năm qua, chính quyền địa phương và Công ty Điện lực Hà Giang đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn. Hàng loạt dự án được triển khai với mục tiêu đưa điện đến từng hộ dân, dù là ở những vùng hẻo lánh nhất. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các thôn biên giới có điện.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thực hiện gần 160 dự án đầu tư cấp điện cho các thôn vùng cao. Các công trình điện nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ nhiều chương trình, nguồn vốn như: Dự án cấp điện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện lưới quốc gia, giai đoạn một; dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ; cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia - sử dụng vốn ODA; nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xí nghiệp Lưới điện Cao thế Hà Giang kiểm tra việc vận hành các trạm biến áp, đường dây nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành điện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Công ty Điện lực Hà Giang thực hiện 33 công trình điện, trong đó đã có 15 công trình đã hoàn thành và đóng điện phục vụ người dân. Việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các trạm biến áp và hệ thống lưới điện không chỉ bảo đảm cung cấp điện ổn định mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ điện, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.
Nhờ đó, đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia về trung tâm; gần 93% số thôn, bản toàn tỉnh có điện; gần 95% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia; số thôn biên giới có điện lưới quốc gia là 123/134 thôn, đạt 99,19%.
Trung tuần tháng 7 năm nay, Công ty Điện lực Hà Giang đã khởi công xây dựng công trình Xây dựng mới lưới điện trung hạ áp cấp điện cho điểm đầu cực bắc, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Công trình có quy mô: Xây dựng mới 1,835km tuyến đường dây 35kV; 1 Trạm biến áp phân phối 35/0,4kV, công suất 100kVA; xây mới 2,541km đường dây hạ áp với tổng kinh phí thực hiện gần 6,6 tỷ đồng.
Công nhân Điện lực Đồng Văn khảo sát đưa điện về điểm cực bắc, xã Lũng Cú.
Theo ông Ma Doãn Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lũng Cú, cho biết: “Việc ngành điện đầu tư công trình điện vào điểm cực bắc của tổ quốc có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Cùng với đó là góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ bởi hiện nay đây là điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan”.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, ngành điện vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm cung cấp điện cho toàn bộ các thôn bản vùng sâu, vùng xa của Hà Giang. Những khu vực địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt và dân cư thưa thớt đòi hỏi chính quyền địa phương và ngành điện cần có thêm nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt để tiếp tục mở rộng mạng lưới điện.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành điện cũng đang tích cực giải quyết những vướng mắc trong việc bàn giao công trình điện do nhà nước đầu tư về cho ngành điện quản lý. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tỉnh vẫn còn hàng trăm công trình điện do các địa phương, các ban quản lý dự án đã đầu tư nhưng chưa bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý. Trong đó nhiều công trình đưa vào vận hành nhưng chưa bàn giao tài sản cho ngành điện. Điều đó dẫn đến tình trạng người dân phải sử dụng điện giá cao do phải mua điện qua công tơ tổng.
Nỗ lực đưa điện về vùng cao Hà Giang là một minh chứng rõ ràng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ánh sáng điện không chỉ thắp sáng bản làng, thay đổi diện mạo vùng cao mà còn mở ra nhiều cơ hội để người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Link gốc