Diễn đàn năng lượng

Ông Quýnh thuỷ điện xanh

Thứ hai, 15/4/2013 | 10:50 GMT+7
Chỉ học tới lớp 3, nhưng một cựu chiến binh đã dành 21 năm tự học hỏi, nghiên cứu và tự xây dựng 3 nhà máy thuỷ điện, được cơ quan quản lý khoa học công nhận và khuyến khích. Ông tự đặt tên cho “công nghệ” của mình là thuỷ điện xanh bởi nó có ưu điểm tiết kiệm nước, không cần hồ đập, không gây hại cho môi trường mà vẫn sản xuất điện với công suất lớn.

 
 
Ông Quýnh bên tuabin thuỷ lực xanh bảo vệ môi trường.

 
Ông là Ngô Văn Quýnh - ở xã Đắk R'Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông.

Tuabin thuỷ lực xanh

Chúng tôi được ông Quýnh đưa đến thôn 14, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp để tham quan công trình thuỷ điện xanh của ông. Công trình có công suất lắp máy 1,5MW, tiến độ thi công đạt khoảng 80%, hiện tại đã có thể phát điện. Với công suất này, người ta phải bỏ ra ít nhất 35 tỉ đồng mới làm nổi (1MW công suất khoảng 25 tỉ đồng). Nhưng ông Quýnh lại nói tỉnh bơ: “2 tỉ đồng là phát điện được rồi, còn xây dựng hoàn chỉnh cũng khoảng 3 tỉ đồng thôi”.

Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông Quýnh chỉ vào “thân đập”, một cái gờ bêtông cao khoảng 60cm chắn ngang dòng thác, dài khoảng 30m, giải thích: “Trong thiết kế của tôi, thân đập cao 1m nhưng mới làm tới đó thôi. Sau khi dẫn một lượng nước nhỏ vào tuabin để phát điện, phần nước còn lại sẽ tràn qua thân đập thành dòng chảy tự nhiên”.

Sau khi xem kỹ “đập chính” và “tràn xả lũ”, chúng tôi đã phần nào tin vào dự toán đầu tư của ông Quýnh. Với các hạng mục này (nói “đập tràn” cũng được mà gọi là cái máng nước kiên cố cũng không sai), ông Quýnh đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng.
 
Nhưng với dòng nước không hơn kênh mương nội đồng, nhà máy thuỷ điện 1,5MW làm sao hoạt động? “Tất nhiên là không thể phát điện nổi, dòng nước này chỉ đủ làm nhúc nhích một cái tuabin bình thường thôi, còn tuabin của tôi không phải loại bình thường”- ông Quýnh trả lời.

Chúng tôi theo chân ông Quýnh sang bên cạnh thác, nơi đặt cái tuabin “không bình thường” do chính ông chế tạo ra. Theo ông Quýnh, tuabin này được chế tạo xuất phát từ ý tưởng cải tiến chân vịt của thuyền máy, về cơ bản nó được thiết kế theo dạng đĩa nên ít tốn nước, lại đạt tốc độ quay cực lớn. Đặc biệt, cánh quạt tuabin được thiết kế để nhận nước từ trên xuống theo phương thẳng đứng, không cần đường ống dẫn nước như các thuỷ điện khác. Nhờ thiết kế sử dụng nước ít, không phải xây đập lớn, hồ chứa nên vốn đầu tư của công trình rất nhỏ so với công suất. “Cần ít nước vậy thôi, nhưng vào mùa khô kiệt, không có nước nó vẫn phát điện bình thường” - ông Quýnh nói.

Thì ra, ngoài tốc độ quay cực lớn với một lượng nước rất nhỏ, tuabin của ông còn có khả năng tích tụ khí nén. Trong quá trình hoạt động, tuabin sẽ tạo ra khí, nén dần vào các bình chứa trong cùng hệ thống. Đến khi hết nước, hệ thống tuabin sẽ được đóng kín và bắt đầu xả khí nén làm quay cánh quạt để phát điện. Cũng nhờ “công nghệ” này, nếu mực nước dâng quá cao, không có cột nước chênh lệch để phát điện thì khí nén cũng sẽ phát huy tác dụng.

21 năm tay trắng làm thuỷ điện

Sau ngày đất nước thống nhất, cựu chiến binh Ngô Văn Quýnh về làm ruộng kiêm thợ cơ khí ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Những năm đầu sau giải phóng, điện chưa phủ sóng toàn quốc, điện khí hoá để giải phóng sức lao động là nhu cầu rất bức thiết. Với nghề cơ khí trong tay, ông Quýnh ấp ủ giấc mơ làm thuỷ điện, dù mới học hết lớp 3 trường làng. Ông bắt đầu với việc khoác balô tìm đến các công trình thuỷ điện, xin ở lại hàng tháng trời để... học hỏi. Những chuyến đi này đã giúp ông nắm vững cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của các nhà máy thuỷ điện, đặc biệt là bộ phận tuabin.

Không chỉ “đi thực tế”, ông Quýnh còn đọc tài liệu, rồi sử dụng tay nghề cơ khí của mình để gia công, lắp ráp từng chi tiết nhỏ. Đến năm 1995, ông đã làm cho nhiều người dân ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu bất ngờ với nhà máy thuỷ điện công suất 20kW để sản xuất nước đá cho gia đình ông. Hoạt động được 5 năm, thuỷ điện của ông Quýnh phải dẹp bỏ vì Nhà nước giải toả đất đai để tôn tạo Khu di tích lịch sử chiến khu D. “Tiếc công lao cả chục năm trời học hỏi, sáng tạo, tôi nghĩ mình phải tìm chỗ khác để làm thuỷ điện tiếp” - ông Quýnh kể.

Rồi ông đi Tây Nguyên khảo sát địa hình, nguồn nước. Đầu năm 2001, ông quyết định đưa cả gia đình lên xã Đắk R'Moan, huyện Đắc Nông heo hút - bây giờ là xã Đắk R'Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông- lập nghiệp. Bà Vũ Thị Đậu - vợ ông Quýnh - nhớ lại: “Cũng giống như hồi ở Đồng Nai, ông ấy giao hết nương rẫy, heo gà cho vợ con, còn mình thì suốt ngày làm thuỷ điện. Làm thuỷ điện mấy chục năm mà vẫn nghèo rớt mồng tơi. Nghèo vì kiếm được đồng nào ông ấy cũng chi phí cho việc đi học hỏi, rồi mua sắt thép, công cụ cơ khí”.
 

 
Thuỷ điện công suất 1,5MW của ông Quýnh chỉ cần một lượng nước nhỏ như thế này.

Cứ như vậy, sau 5 năm đến vùng đất mới, công trình thuỷ điện thứ hai chạy bằng “tuabin thuỷ lực xanh” có công suất 1MW của ông Quýnh đi vào hoạt động. Lúc đó, nhờ có thuỷ điện này mà hơn 150 hộ dân ở các thôn Tân Hoà, Tân Phong và cả trụ sở UBND xã Đắk R'Moan mới có điện dùng. Ông Quýnh có thu một ít tiền điện, theo kiểu ai nộp thì lấy, ai không nộp thì... cho luôn.

Đến năm 2010, nhà máy thuỷ điện của ông Quýnh lại bị ngập bởi lòng hồ thuỷ điện Đắk R’tih - công suất 144MW. Ông buồn rầu: “Lúc khảo sát, họ bảo nhà máy của tôi nằm ngoài phạm vi lòng hồ, nhưng đến khi tích nước lại làm ngập dưới lòng hồ. Tôi làm hết 300 triệu đồng nhưng chỉ được đền bù 60 triệu, lại phải nhận lắt nhắt nhiều đợt, cuối cùng tiêu tán hết”. Sau khi nhà máy thuỷ điện thứ hai ngừng hoạt động, ông Quýnh tiếp tục xây dựng nhà máy thuỷ điện thứ ba.

Ngoài việc phát điện, công trình thuỷ điện ở xã Đắk Wer còn phục vụ cho mục đích thử nghiệm, tiến tới sản xuất tuabin thuỷ lực xanh để cung cấp cho các nhà máy thuỷ điện khác. Cũng vì vậy, năm ngoái ông Quýnh đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thuỷ điện Xanh để đầu tư quy mô lớn hơn, bài bản hơn.

Công nghệ thân thiện với môi trường

Đồng thời với việc xây dựng công trình này, ông Quýnh còn mang tuabin thuỷ lực xanh tham gia nhiều hội chợ triển lãm công nghệ tại Hà Nội, Quảng Nam và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp làm thuỷ điện. Trong 3 doanh nghiệp trực tiếp đến tham quan công trình của ông, có doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã chính thức mời ông sang tư vấn cho dự án thuỷ điện chuẩn bị đầu tư tại thành phố Đà Lạt. Doanh nghiệp này cũng đặt hàng ông sản xuất tuabin thuỷ lực xanh công suất 2MW để lắp đặt dưới hạ du một nhà máy thuỷ điện khác để tận dụng nguồn nước.

“Tận dụng nguồn nước từ các nhà máy thuỷ điện khác, dùng cho thuỷ điện có cột nước thấp, thậm chí lắp đặt trên các con suối nhỏ là ưu điểm vượt trội của tuabin thuỷ lực xanh mà” - ông Quýnh giải thích. Vậy thì đến bao giờ ông mới chính thức sản xuất tuabin thuỷ lực xanh? Ông Quýnh trả lời: “Trước mắt, tôi phải hoàn thành nhà máy thuỷ điện này để hoàn thiện cấu tạo tuabin thuỷ lực xanh, rồi chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích. Điều tôi lo lắng nhất là vốn, vì hơn 20 năm qua tôi chỉ lo nghiên cứu, sáng chế chứ không làm ra tiền”.

Ông Trần Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Nông - cho biết rất ủng hộ việc ông Quýnh thành lập doanh nghiệp, liên kết với đơn vị có tiềm lực tài chính để sản xuất tuabin thuỷ lực xanh cung cấp cho thị trường.

Ông nói: “Hiện sở đang xem xét đề cương nghiên cứu tuabin thuỷ lực xanh của ông Quýnh, sẽ sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học để tiếp sức cho ông thực hiện đề tài này. Đây là đề tài không quá mới mẻ, nhưng ý tưởng và khả năng ứng dụng thì rất tiềm năng. Bởi trong điều kiện tài nguyên nước ngày càng suy giảm, tác động của thuỷ điện ngày càng xấu, công nghệ này hoàn toàn có thể giúp sản xuất điện với công suất lớn mà rất ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái”.

Mọi việc còn đang ở phía trước, nhưng niềm đam mê và kết quả sáng tạo ban đầu của một người chỉ mới học xong lớp 3 như ông Ngô Văn Quýnh cũng đủ để chúng ta ngả mũ khâm phục!

“Hiện sở đang xem xét đề cương nghiên cứu tua bin thuỷ lực xanh của ông Quýnh, sẽ sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học để tiếp sức cho ông thực hiện đề tài này. Đây là đề tài không quá mới mẻ, nhưng ý tưởng và khả năng ứng dụng thì rất tiềm năng. Bởi trong điều kiện tài nguyên nước ngày càng suy giảm, tác động của thuỷ điện ngày càng xấu, công nghệ này hoàn toàn có thể giúp sản xuất điện với công suất lớn mà rất ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái” (ông Trần Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông).
Theo: Báo Lao động