PC Cà Mau: Ða dạng cách thức tuyên truyền an toàn điện

Thứ năm, 4/5/2023 | 09:16 GMT+7
Tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu khắc phục đối với các trường hợp sử dụng điện không đảm bảo an toàn; lồng ghép phổ biến một số nội dung về sử dụng điện đảm bảo an toàn vào các cuộc họp của đơn vị, sinh hoạt chi bộ, trong công tác xây dựng đời sống văn hoá, sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc hội nghị, tập huấn…

Kết hợp với các đợt thay định kỳ công tơ, Công ty Ðiện lực Cà Mau tổ chức phát tờ rơi, sổ tay có in nội dung về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho 4.281 hộ dân.

Ðó là những cách thức tuyên truyền khác nhau đã được triển khai trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu tai nạn điện.

Nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là loại hình được đánh giá có nguy cơ xảy ra tai nạn điện cao nhất thời gian qua và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn điện xảy ra trong lĩnh vực này. Theo đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn trong quá trình nuôi được các đơn vị và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, triển khai với nhiều hình thức.

Tiêu biểu, Sở NN&PTNT đã lồng ghép hướng dẫn người dân thực hiện quy định về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và về sử dụng điện đảm bảo an toàn vào các cuộc tập huấn, tuyên truyền lĩnh vực của ngành. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền an toàn sử dụng điện được 8 cuộc, với trên 500 người tham dự.

Ngoài ra, liên quan đến nội dung an toàn điện trong quá trình nuôi tôm, Tổ công tác 1926 đã tiến hành tái kiểm tra các điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 6 đợt với 12 hộ. Thông qua kiểm tra, tổ đã tiếp tục nhắc nhở và bắt buộc khắc phục hệ thống điện trong ao nuôi tôm đối với một số hộ dân chưa đảm bảo theo quy định, nhất là độ võng dây dẫn còn thấp hơn quy định 2,75 m.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện 2 chuyên đề kinh tế thuỷ sản, trong đó có lồng ghép hướng dẫn, tuyên truyền người dân nuôi thuỷ sản thực hiện đúng theo quy định về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và các quy định khác có liên quan.

Ðối với những khu vực có nguy cơ cao về sự cố điện như khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại... Công an tỉnh kết hợp với các đơn vị liên quan tiến hành nhiều cách thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC), an toàn trong sử dụng điện, cũng như hướng dẫn cài đặt, sử dụng App “Báo cháy - 114”; lồng ghép nội dung kiểm tra an toàn sử dụng điện trong các đợt kiểm tra an toàn PCCC tại 1.554 cơ sở…

Riêng Công ty Ðiện lực Cà Mau, bên cạnh việc kết hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền các biện pháp sử dụng điện an toàn, còn tiến hành lồng ghép tuyên truyền trong công tác kiểm tra an toàn sử dụng điện được 3.873 lượt khách hàng; thông qua các đợt thay định kỳ công tơ, kiểm tra tổn thất trạm biến áp công cộng, công tác ghi chỉ số công tơ điện; phát tờ rơi, sổ tay có in nội dung về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho 4.281 hộ dân. 

Ngoài ra, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau kiểm tra, hướng dẫn PCCC tại cơ sở kinh doanh karaoke; kiểm tra tình hình sử dụng điện, hành lang an toàn lưới điện cao áp, hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, hộ sử dụng điện chia hơi không đảm bảo an toàn được 4.204 hộ dân và xử lý khắc phục đối với các đường dây kéo sau công tơ chính vượt lộ, vượt sông, nhằm đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh.

Lồng ghép các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, các cuộc họp tại cơ quan để phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tổ chức thực hiện và triển khai đến rộng rãi đến người dân… trong sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Những nỗ lực ấy thời gian qua góp phần trang bị cho người dân kiến thức về an toàn sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, từng bước giảm thiểu tai nạn điện.

Link gốc

 

Theo: Báo Cà Mau