Anh Nguyễn Quốc Cường, công nhân Đội QLVH ĐZ và TBA, Điện lực Sơn Trà, bên những sáng kiến, cải tiến.
Với 19 đề tài nghiên cứu khoa học được các Cấp/Bộ/Ngành công nhận, trong đó có đến 10 giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC và hơn 300 sáng kiến, giải pháp được Công ty ghi nhận triển khai áp dụng vào thực tiễn, giá trị làm lợi ước tính hàng chục tỷ đồng.
Từ suy nghĩ làm sao để đồng nghiệp bớt vất vả….
Vào thời điểm mùa hè nắng nóng, phụ tải tăng cao, đặc biệt các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều nhà hàng khách sạn dễ xảy ra tình trạng quá tải đường dây hạ áp, dẫn đến chạm chập, cháy nổ tại các vị trí ghíp đấu nối, hộp chia dây, gây mất an toàn trong công tác quản lý vận hành. Việc xử lý các vị trí chạm chập này mất nhiều thời gian do nằm trong các khu vực hẻm, kiệt nhỏ, khiến xe xử lý sự cố không thể vào được. Với nỗi trăn trở đó, anh Nguyễn Quốc Cường, công nhân Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Sơn Trà cùng các đồng nghiệp trong đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng sáng kiến “Xử lý sự cố chạm chập, cháy nổ bằng nước vệ sinh cách điện”, tận dụng nước vệ sinh cách điện trung áp và máy xịt nước áp lực cao. Bộ xịt nước này được đặt lên xe đẩy có 4 bánh xe để dễ dàng di chuyển khi xử lý sự cố, đặc biệt các khu vực hẻm, kiệt nhỏ. Kể về hành trình nghĩ ra sáng kiến, anh kể: “Mình làm công việc hàng ngày, cảm thấy cần đổi mới để công việc nhanh hơn, bớt thủ công đi cho anh em đỡ vất vả, vì khối lượng công việc ngày một tăng, đáp ứng khách hàng yêu cầu ngày một khó, xử lý sự cố phải nhanh chóng, gọn nhẹ, đảm bảo đúng kỹ thuật an toàn”. Đây là một trong những sáng kiến được đánh giá cao và triển khai vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực cho PC Đà Nẵng.
Tại Điện lực Cẩm Lệ, anh Nguyễn Lê Công Dũng, công nhân tổ Quản lý đo đếm - Phòng Kinh doanh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu, xây dựng sáng kiến “Xây dựng công cụ hỗ trợ lấy chỉ số trong mùa mưa bão trường hợp dữ liệu offline và sai ngày nhiều”.
“Xuất phát từ thực tế trong mùa mưa bão, công tơ điện tử có thể bị offline (mất tín hiệu), tuy nhiên các công cụ hỗ trợ trích xuất dữ liệu vẫn còn những hạn chế nhất định, dẫn đến mỗi khi mưa bão, các công tơ bị offline gây rất nhiều khó khăn và tốn thời gian để rà soát, khắc phục. Từ đó, mình cùng đồng nghiệp đã bàn bạc, trao đổi để đề xuất viết một công cụ hỗ trợ để phục vụ việc ghi chỉ số, đảm bảo việc ghi chữ số đặc biệt là trong mùa mưa bão được thuận tiện, chính xác” anh Dũng cho biết.
…Đến sáng kiến ra đời từ quá trình thực tiễn
Cũng tại Điện lực Cẩm Lệ, sáng kiến “Sử dụng thanh đồng trung gian đấu nối vào cực máy cắt hạ áp” của anh Nguyễn Văn Vinh, công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Cẩm Lệ cùng đồng nghiệp cũng được ra đời từ sự tìm tòi, nghiên cứu trong quá trình thao tác trên hiện trường. “Vì những thiết bị mới không còn phù hợp khi lắp thay thế những thiết bị cũ, dẫn đến việc khi thay thế máy cắt phải đồng thời thay thế nhiều linh kiện khác, để giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng, mình đã nghĩ ra cách sử dụng thanh đồng trung gian đối nối vào cực máy cắt hạ áp, cách này giúp thi công đấu nối cáp xuất tuyến hạ áp vào máy cắt được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng” anh Vinh chia sẻ.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Điện lực Cẩm Lệ, đánh giá rất cao những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đến từ công nhân trực tiếp. Ông cho biết, đây là lực lượng trực tiếp làm việc tại hiện trường, những sáng kiến của lực lượng này thường đến từ những kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm trong nghề, hoặc xuất phát từ chính nhu cầu muốn tăng năng suất lao động của bản thân, góp phần nâng cao dịch vụ khách hàng, thay đổi hình ảnh của Công ty trong cộng đồng.
Bên cạnh những “cây sáng kiến” là kỹ sư, chuyên viên, lãnh đạo các điện lực cũng rất quan tâm động viên và biểu dương những cải tiến, giải pháp đến từ những người thợ điện - lực lượng chiếm hơn 30% tổng số CBCNV toàn đơn vị, những người hàng ngày trực tiếp thao tác, xử lý công việc tại hiện trường và giao tiếp với khách hàng. Nhờ sự quan tâm, động viên này, trong vòng 05 năm qua đã ghi nhận gần 100 sáng kiến từ lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất, chiếm tỷ lệ 1/3 số sáng kiến cấp Công ty, giá trị làm lợi ước tính hơn 02 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đình Tuân - Phó Giám đốc PC Đà Nẵng, cải tiến, sáng kiến và nghiên cứu khoa học là định hướng dài hạn của lãnh đạo Công ty, từ lâu đã được chú trọng, tạo điều kiện và nhận được sự ủng hộ, quyết tâm thực hiện của tập thể CBCNV Công ty. Thời gian tới, để đồng hành với thành phố Đà Nẵng trong tiến trình chuyển đổi số, Công ty tiếp tục khuyến khích tập thể CBCNV có những giải pháp, cải tiến giúp ngành điện bước đi vững chắc với những giải pháp sáng tạo, linh hoạt hơn. Ông cũng cho biết: “Những tấm gương người thợ điện với cải tiến, sáng kiến hay là những điều trở nên thân thuộc, đã, đang và sẽ luôn là nét đẹp lao động tại Công ty Điện lực Đà Nẵng. Lãnh đạo Công ty luôn khuyến khích, trân trọng các cải tiến, giải pháp đóng góp cho đơn vị. Những cải tiến dù nhỏ, nhưng tích lũy nhiều sẽ làm thay đổi cách làm việc, nâng cao dịch vụ khách hàng, thay đổi hình ảnh Công ty trong cộng đồng”.