PC Đà Nẵng luôn chủ động các phương án để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022.
Tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh
Theo dự báo trong tháng 4/2022, nền nhiệt khu vực Trung Trung Bộ bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại và thích ứng với trạng thái bình thường mới nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh ở tất cả các lĩnh vực và có thể xảy ra tình trạng quá tải lưới điện trong mùa hè.
PC Đà Nẵng cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố giảm. Vì vậy, PC Đà Nẵng căn cứ lượng điện tiêu thụ của mùa khô năm 2020, năm 2021 và tình hình sản xuất kinh doanh thực tế trên toàn thành phố làm cơ sở để xây dựng phương thức vận hành, các kịch bản cấp điện, phương án điều khiển công suất và thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô và cả năm 2022.
Theo đó, năm 2022, sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất của thành phố Đà Nẵng dự kiến khoảng 12,8 triệu kWh, công suất hệ thống ngày cực đại là 635 MW. Theo dự báo trong các tháng mùa khô, nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng đột biến, nhất là các khu vực dịch vụ du lịch, khách sạn, sản xuất, công nghiệp… Điều này đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho Công ty, đặc biệt là việc đảm bảo cấp điện ổn định và liên tục, giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ trước lượng điện tiêu dùng tăng cao.
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho mùa khô năm 2022, PC Đà Nẵng đã tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị sẵn các phương án, sẵn sàng cấp điện ổn định cho tất cả các phụ tải, đặc biệt là các phụ tải quan trọng.
Việc cung ứng điện cho thành phố Đà Nẵng đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất về cả chất lượng điện và chất lượng dịch vụ. Nên ngay từ tháng 9/2021, sau khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, PC Đà Nẵng đã chủ động chuẩn bị cho công tác cấp điện mùa khô năm 2022 và yêu cầu các đơn vị rà soát, cập nhật, tiến hành phân tích đánh giá số liệu và tính chất phụ tải theo từng khu vực, đặc biêt là khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, với mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/tháng trở lên và các khách hàng sử dụng điện ưu tiên đã được UBND thành phố phê duyệt. Từ đó, Công ty dự báo phụ tải sát với thực tế và có phương án ứng phó một cách chủ động khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn khẩn cấp nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục trong mọi tình huống.
Cụ thể, Công ty triển khai công tác sửa chữa, bảo trì, xử lý dứt điểm các tồn tại, đẩy nhanh đầu tư xây dựng lưới điện. Hiện nay, các đơn vị thuộc Công ty đang khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ đến hết quý I/2022 để không phải cắt điện theo kế hoạch bảo trì trong giai đoạn mùa khô năm 2022.
Trong quý IV/2021 và quý I/2022, PC Đà Nẵng đã thực hiện nhiều hạng mục cải tạo, đầu tư nâng cấp, triển khai các công trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trung hạ thế, đặc biệt là các công trình cần thiết phải đưa vào vận hành trước hè năm 2022. Cụ thể là nâng tiết diện dây dẫn đường dây 110 kV nhánh rẽ Liên Trì; xây dựng mạch 2 đường dây 110 kV 500 Đà Nẵng – Đại Lộc; đầu tư mở rộng dàn thanh cái 22 kV tại các TBA 110 Xuân Hà, Hòa Khánh 2, Hòa Xuân và tại TBA 220 kV Hòa Khánh, Ngũ Hành Sơn; xây dựng mới nhiều đường dây trung hạ áp, nâng tiết diện dây dẫn, nối lưới giữa các xuất tuyến nhằm san tải, nâng cao khả năng cung cấp điện, khả năng liên kết lưới điện và linh hoạt chuyển tải qua lại với nhau tại các khu vực Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu (44 công trình được hoàn thành).
Đồng thời, Công ty chính thức đưa vào vận hành và khai thác các xuất tuyến trung áp sau TBA 110 kV Cảng Tiên Sa nhằm san tải cho TBA 110 kV An Đồn ở khu vực bán đảo Sơn Trà, Cảng Tiên Sa, khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang, khu tổ hợp du lịch, khách sạn nhà hàng ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp… PC Đà Nẵng luôn quán triệt các tổ, đội khi thi công các công trình sửa chữa, bảo trì và xây dựng mới lưới điện phải có phương án thi công, áp dụng các giải pháp hạn chế tối đa không gây mất điện cho khách hàng như: sử dụng máy phát điện lưu động, máy biến áp lưu động, thi công bằng công nghệ hotline, vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao…
Ứng dụng nhiều giải pháp
Trong công tác vận hành lưới điện, PC Đà Nẵng chỉ đạo các điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra kỹ thuật lưới điện, đặc biệt lưu ý các trạm biến áp phân phối, đường dây đầy/quá tải hoặc có nguy cơ đầy tải trong mùa khô 2022 để từ đó có giải pháp nâng công suất, sang tải kịp thời. Trên cơ sở đó, từ đầu năm đến nay, PC Đà Nẵng đã thực hiện chụp ảnh bằng camera nhiệt tại 519 vị trí, phát hiện và xử lý các vị trí bất thường bằng công nghệ hotline. Các điện lực trực thuộc cũng tăng cường thực hiện công tác thí nghiệm công nghệ đo PD online để đảm bảo chế độ vận hành của các đường dây cáp ngầm tại 53 vị trí. Công ty cũng đã tiến hành thí nghiệm online 32 tủ trung thế RMU và bổ sung khí SF6; đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát quang hành lang cây xanh với 428 lượt, đảm bảo khoảng cách an toàn quy định và phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhằm giảm các sự cố do vi phạm hành lang lưới điện trong nhân dân.
Đối với đường dây, trạm biến áp 110 kV, Công ty tiếp tục tăng cường theo dõi tình trạng mối nối tiếp xúc, lèo tại các đường dây, TBA có mức mang tải cao. Thời gian qua, PC Đà Nẵng đã thực hiện vệ sinh bảo dưỡng bằng nước áp lực cao, không mất điện các TBA 110 kV Liên Chiểu, Hòa Liên, Hòa Khánh 2, Ngũ Hành Sơn 110, Xuân Hà, Cầu Đỏ, Liên Trì, An Đồn và các đường dây 110 kV như: 500 Đà Nẵng - Cầu Đỏ, 500 Đà Nẵng – Điện Nam Điện Ngọc, 500 Đà Nẵng – Xuân Hà, Ngũ Hành Sơn 220 – Liên Trì, Hòa Khánh 220 – Liên Chiểu.
Ngoài ra, Công ty đẩy mạnh việc khai thác, vận hành hiệu quả Trung tâm Điều khiển xa trong việc giám sát, vận hành lưới điện, tập trung khai thác dữ liệu giám sát, đo đếm từ xa, hệ thống camera từ các trạm biến áp 110kV và các trạm phân phối 22kV để phát hiện sớm các hiện tượng bất thường. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành theo phương châm “chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”, thời gian thực hiện đảm bảo dưới 5 phút.
Hiện nay, tại Trung tâm Điều khiển xa có khoảng 355 thiết bị phân đoạn, trong đó có 158 Recloser, 174 LBS và 23 RMU trên lưới điện phục vụ việc thao tác xa, giám sát và thu thập dữ liệu. Hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối FLISR được mở rộng đang vận hành trên 54 xuất tuyến22kV với sự tham gia của 54 máy cắt xuất tuyến, 61 Recloser, 36 LBS, 18 RMU; hoạt động ở chế độ vận hành tự động hoàn toàn (Automatic) nhằm giảm thời gian mất điện khi có sự cố.
Bên cạnh đó, PC Đà Nẵng cũng phối hợp cùng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung, Công ty Truyền tải điện 2, Công ty Điện lực Quảng Nam, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế về vận hành lưới điện 220kV - 110kV trên địa bàn và các đường dây liên tỉnh đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy. Công ty cũng hoàn thành xây dựng phương án sa thải phụ tải khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn; xây dựng các nhóm xuất tuyến cài đặt F81 với các mức khác nhau, phương án chuyển tải khi sự cố, phương án cấp điện mùa khô…
Trước tình hình nhiệt độ tăng cao trong mùa nắng nóng, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Trung, PC Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoãn những công tác chưa thực sự cần thiết có ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Công ty luôn quan tâm, chủ động cấp điện cho công trình phục vụ dân sinh; xây dựng phương án cấp điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn tại một số nhà máy nước; phối hợp cùng Công ty Điện lực Quảng Nam trong vận hành đường dây trung áp 477/Cầu Đỏ, đảm bảo cung điện cho trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Ngoài việc tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong mọi tình huống, Công ty vẫn ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo cung cấp điện cho các bệnh viện và cơ sở y tế, sẵn sàng cho các tình huống phòng chống dịch theo yêu cầu của ngành y tế.
Song song đó, PC Đà Nẵng khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện; đồng thời, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao.