PC Đắk Lắk: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tiến trình xây dựng lưới điện thông minh

Thứ năm, 30/9/2021 | 17:16 GMT+7
Trong những năm qua, để từng bước thực hiện tiến trình xây dựng lưới điện thông minh, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) đã thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Mô hình lưới điện phân phối tỉnh Đắk Lắk trên phần mềm DMS600.
 
Đồng thời, Công ty cũng chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm làm chủ công nghệ, tạo nền tảng ban đầu cho quá trình thực hiện các công tác.
 
Để hiện đại hóa lưới điện, từ năm 2010, PC Đắk Lắk đã được EVNCPC đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống mini SCADA. Đến nay, Công ty đã mở rộng kết nối lên hơn 300 điểm nút, bao gồm: 01 trạm 220kV; 14 trạm 110kV không người trực; 05 TBA 110kV của khách hàng; 04 trạm trung gian 35kV; 13 nhà máy thủy điện, gần 300 Recloser, LBS, tụ bù, RMU trên lưới điện 22 kV tỉnh. Cuối năm 2016, Công ty cũng đã thành lập Trung tâm điều khiển (TTĐK) hệ thống điện tỉnh Đắk Lắk, thực hiện thao tác xa tại các thiết bị đã kết nối SCADA trên lưới điện. 
 
Đồng thời, đơn vị từng bước triển khai mô hình không người trực tại các TBA 110kV trên địa bàn tỉnh. Điều này đã mang lại những lợi ích rõ rệt như giảm số lượng lao động, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện.
 
Cùng với đó, nhằm hạn chế việc cắt điện ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân, công nghệ Hot-line đã được PC Đắk Lắk áp dụng, cho phép thực hiện công tác sửa chữa, thay thế, đấu nối các thiết bị trên lưới điện đang có điện. Hệ thống đo đếm từ xa được tăng cường và hiện đại hóa giúp phát hiện sớm các sự cố, cung cấp số liệu phục vụ tính toán và phân tích lưới điện cũng được mở rộng. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển chung, lưới điện hiện hữu vẫn còn nhiều tồn tại. Các thiết bị đa dạng về mặt chủng loại, một số thiết bị còn lạc hậu và không có khả năng kết nối để tự động hóa, độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng chưa cao. Thêm vào đó, việc mô phỏng, tính toán và phân tích lưới điện nhằm hỗ trợ công tác quản lý vận hành đang còn nhiều hạn chế, độ chính xác và linh hoạt chưa cao. Do đó, để giải quyết các tồn tại trong công tác, PC Đắk Lắk đã hợp tác với Công ty Hitachi ABB Power Grids, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đầu tư xây dựng và phát triển lưới điện thông minh cho lưới điện phân phối toàn tỉnh trên cơ sở phần mềm DMS600. Đồng thời, EVNCPC đã giao PC Đắk Lắk triển khai giai đoạn tiếp theo của lưới điện thông minh đó là Đầu tư xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) tại PC Đắk Lắk dựa trên phần mềm DMS 600. 
 
Hệ thống quản lý lưới điện phân phối MicroSCADA Pro DMS600 là phần mềm được phát triển bởi Công ty Hitachi ABB Power Grids - một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ với bề dày lịch sử gần 250 năm, sử dụng khoảng 36.000 nhân viên tại 90 quốc gia. DMS600 là một tổ hợp phần mềm cho phép hiển thị lưới điện trên nền bản đồ với hàng chục chức năng khác nhau như quản lý cấu trúc lưới điện, quản lý cắt điện, tự động cảnh báo, tính toán trào lưu công suất, tính toán ngắn mạch, định vị sự cố, ước lượng phụ tải, dự báo phụ tải, phân tích bảo vệ, phân tích lưới điện, dịch vụ khách hàng… Đặc biệt, phần mềm này còn có chức năng tự động phân đoạn và khôi phục cung cấp điện khi có sự cố xảy ra.
 
Tháng 8/2019, PC Đắk Lắk đã cử 02 chuyên viên thuộc Phòng Điều độ tham gia đào tạo và chuyển giao công nghệ phần mềm DMS600 của hãng ABB tại Phần Lan. Đến tháng 12 cùng năm, Công ty đã ra quyết định thành lập “Tổ xây dựng DMS” gồm 26 thành viên. Trong đó, 12 thành viên là các cán bộ nhân viên thuộc phòng Điều độ, phòng Kỹ thuật, phòng Công nghệ thông tin, phòng Kinh doanh, Đội QLVH Lưới điện Cao thế và 14 thành viên là Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật thuộc các Điện lực trực thuộc. Tính đến nay, Tổ xây dựng DMS đã hoàn thành 80% kế hoạch triển khai xây dựng dữ liệu để mô hình hóa lưới điện và đã khai thác được nhiều chức năng của DMS600. Trong năm 2021, PC Đắk Lắk sẽ tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) khu vực thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021-2022, trong đó đầu tư gói dịch vụ để chuyên gia ABB thực hiện cấu hình DAS (FLISR) cho 02 xuất tuyến mạch vòng trung áp khu vực TP Buôn Ma Thuột. Đồng thời các chuyên gia sẽ đào tạo chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư của PC Đắk Lắk, hỗ trợ các kỹ sư này hoàn thiện DAS cho các xuất tuyến mạch vòng còn lại của thành phố. 
 
Dự kiến đến quý 2/2022: có 02 xuất tuyến 22kV khu vực thành phố Buôn Ma Thuột sẽ được vận hành hành tự động bằng DAS, và cuối năm 2022, PC Đắk Lắk sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đầu tư xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) khu vực thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021-2022.
 
Với những thay đổi lớn trong khâu sản xuất, phân phối và tiêu thụ như hiện nay, công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo phần nào đáp ứng sự thay đổi đó và thích ứng với sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ dù còn nhiều khó khăn trước mắt. Trong đó, việc ứng dụng phần mềm DMS600 để xây dựng và phát triển lưới điện thông minh cũng là một trong các bước giúp PC Đắk Lắk giải quyết những tồn tại của lưới điện hiện hữu, tiến tới hoàn thiện hệ thống theo hướng hiện đại hóa trong tương lai.
Anh Minh – Văn Hảo