Ngành điện Gia Lai chủ động triển khai các phương án, chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức thấp nhất. Ảnh: Khang Nghi
Điện lực Đức Cơ đang quản lý, vận hành hơn 300 km đường dây trung áp, gần 250 km đường dây hạ áp với 335 trạm biến áp (TBA) phân phối, cấp điện cho 9 xã, thị trấn. Ông Tăng Văn Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Đức Cơ cho biết: Do đặc thù là huyện biên giới, khối lượng đường dây đi qua nhiều cánh rừng với trên 88,2 km nên công tác quản lý, vận hành của đơn vị gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để cố gắng giảm tối đa tổn thất điện năng.
Theo ông Dũng, đối với tổn thất phi kỹ thuật (trộm điện, không thanh toán hoặc chậm thanh toán hóa đơn tiền điện, sai sót do hệ thống đếm, sai sót do thống kê phân loại và tính hóa đơn khách hàng), Điện lực Đức Cơ thường xuyên kiểm định công tơ, đảm bảo thiết kế lắp đặt hệ thống đo đếm phù hợp. Bên cạnh đó, thay thế định kỳ công tơ đúng thời hạn; kiểm tra, bảo trì hệ thống đo đếm thường xuyên; áp dụng các giải pháp giám sát thiết bị đo đếm từ xa nhằm tăng cường theo dõi, phát hiện sai sót, sự cố trong đo đếm; thực hiện lịch ghi chỉ số công tơ đúng ngày đã thỏa thuận với khách hàng. Còn với tổn thất kỹ thuật trên lưới điện phân phối, chủ yếu trên dây dẫn và trong máy biến áp phân phối, đơn vị đã thực hiện các giải pháp như: không để vận hành quá tải đường dây, quá tải máy biến áp, hoán chuyển máy biến áp đầy tải, non tải một cách hợp lý; kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện luôn ở tình trạng vận hành tốt. Đặc biệt là từng bước loại dần các thiết bị không tin cậy, hiệu suất kém, tổn thất cao bằng các thiết bị mới. Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp mà trong những tháng đầu năm 2022, mức tổn thất điện năng của Điện lực Đức Cơ đã giảm 2,81%.
Cũng với mục tiêu giảm tổn thất điện năng, ngay từ đầu năm, Điện lực Phú Thiện đã kiện toàn Tiểu ban Giảm tổn thất và giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Hàng tháng, các bộ phận chuyên môn tổng hợp số liệu, phân tích, nhận dạng tổn thất và đề ra mục tiêu giảm tổn thất ở các khu vực có tỷ lệ cao. Các TBA có tỷ lệ tổn thất trên 5%, điện năng tổn thất trên 2.000 kWh được giao cho từng cá nhân theo dõi báo về đơn vị có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, đơn vị tích cực phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình hoàn thiện chống quá tải lưới điện trung hạ áp để giảm tổn thất đường dây trung thế và 5 TBA có tổn thất trên 5%. Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường phát quang hành lang an toàn lưới điện, đấu nối lại các điểm tiếp xúc, san tải, tách lèo, cân pha 25 TBA để đảm bảo bán kính cấp điện. Đồng thời, hoán chuyển 12 máy biến áp không để non tải, thay thế 5.500 công tơ cơ bằng công tơ điện tử RF Spider. Song song với đó, Điện lực Phú Thiện không ngừng cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn như: di dời toàn bộ 7 TBA qua đường dây mới dọc quốc lộ 25, chuyển đấu nối sang đường dây mới xây dựng; xây dựng công trình hoàn thiện chống quá tải lưới điện với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng…
Với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Công ty Điện lực Gia Lai đã chủ động triển khai các phương án, chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức thấp nhất với tỷ lệ là 4,36%.
Ông Võ Ngọc Quý- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho hay: “Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai kiểm soát chặt chẽ các số liệu về kỹ thuật, kinh doanh... đảm bảo có cơ sở để xác định các nguyên nhân tổn thất điện năng chính xác nhất để chủ động nhận diện, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao xảy ra tổn thất; kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân gây ra tổn thất đối với những TBA có tỷ lệ tổn thất điện năng cao để xử lý. Cùng với đó, kiểm tra hệ thống đo đếm các khách hàng sử dụng điện năng tiêu thụ lớn, khách hàng có sản lượng điện năng dao động bất thường; phối hợp hoàn thiện phân hệ kiểm tra giám sát mua bán điện trên chương trình CMIS và thực hiện số hóa trong công tác kiểm tra giám sát mua bán điện”.
Link gốc