Nghiệm thu đóng điện kỹ thuật thôn Nà Lầu, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình.
Bởi vậy, để đảm bảo đủ điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ ngành Điện địa phương.
Lưới điện Lạng Sơn hiện đang được cấp bởi 06 trạm biến áp (TBA) và 214,92 km đường dây (ĐZ) 110 kV; 3.035,2 km ĐZ trung thế; 5451,52 km ĐZ hạ thế; 2.164 TBA phân phối… đáp ứng cho hơn 258.878 khách hàng sử dụng điện. Với việc hệ thống điện được đầu tư đồng bộ, hiện đại và thường xuyên được nâng cấp, đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, qua hơn hai năm chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhịp độ kinh tế của Lạng Sơn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do vậy, nhu cầu sử dụng điện tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ngày một tăng lên, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn có sự đòi hỏi cao về chất lượng nguồn điện.
Để đảm bảo cung ứng điện năng ổn định, an toàn cho khách hàng, năm 2022, PC Lạng Sơn đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống lưới điện, giảm tổn thất điện năng để đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Đặc biệt, dựa trên cơ sở khảo sát đánh giá mức độ tăng trưởng điện năng, Công ty luôn bám sát diễn biến phụ tải điện và nhu cầu sử dụng điện của từng khách hàng, khu vực để chỉ đạo Điện lực các huyện và thành phố có kế hoạch lập phương án đề nghị đầu tư xây dựng, bổ sung các công trình ĐZ và TBA mới. Cụ thể, PC Lạng Sơn đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai 23 dự án đầu tư xây dựng với quy mô tăng thêm đạt 105,69 km ĐZ trung thế, 26,66 km ĐZ hạ thế, 59 TBA có tổng công suất 11.540 kVA. Đặc biệt, Công ty cũng đã phối hợp với các đơn vị để nghiệm thu, đóng điện, đưa vào vận hành TBA 110 kV Cao Lộc, cùng máy biến áp T2 thuộc các TBA 110 kV Hữu Lũng và Tràng Định.
Trạm 110kV Tràng Định.
Ngoài ra, PC Lạng Sơn còn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát lại hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh để khắc phục những khiếm khuyết của ĐZ, TBA tại những khu vực có nguy cơ mất an toàn; Thực hiện phương án hoán đổi các máy biến áp non tải và quá tải; Lập phương thức vận hành kinh tế, duy trì điện áp vận hành tại các TBA 110 kV, điện áp xuất tuyến 35 kV, 22 kV tại trạm 110 kV. Mặt khác, Công ty cũng đã triển khai có hiệu quả Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện năng (DR). Điều này đã góp phần làm giảm áp lực vận hành, đảm bảo an toàn hệ thống điện của toàn tỉnh vào cao điểm mùa nắng nóng trong năm 2022.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống lưới điện, PC Lạng Sơn còn đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, 100% khách hàng có TBA chuyên dùng đều được sử dụng công tơ điện tử đo xa áp dụng công nghệ 3G/GPRS để thực hiện ghi chỉ số công tơ tự động; Ứng dụng mô hình TBA 110 kV không người trực; Thi công sửa chữa điện nóng Hotline trên lưới điện 22 kV… Đồng thời, PC Lạng Sơn cũng đã triển khai có hiệu quả việc đấu nối mạch vòng ring dự phòng, kênh truyền SCADA và củng cố hạ tầng mạng của Công ty, các TBA 110 kV và Điện lực thành viên, qua đó đã đảm bảo đường truyền, phục vụ tốt cho quá trình điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý kỹ thuật và điều khiển xa… Nhờ vậy, các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện của Công ty không ngừng được cải thiện.
Vệ sinh cách điện đang mang điện bằng nước áp lực cao.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nên PC Lạng Sơn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đồng thời đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Trong đó, nổi bật là tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Công ty ước đạt 820,19 triệu kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng lưới điện hạ thế đạt 4,09%, giảm 0,38% so với năm 2021 và thấp hơn kế hoạch Tổng công ty giao là 0,22%; Giá bán điện bình quân đạt 1.911,2 đồng/kWh, tăng 23,4 đồng/kWh so với cùng kỳ và cao hơn so với kế hoạch là 6,4 đồng/kWh; Tỷ lệ thu nộp tiền điện đạt 99,99%; Các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PC Lạng Sơn còn không ngừng “chủ động đem tiện ích đến cho khách hàng” với tiêu chí “Tin cậy - Hiệu quả” nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Bước sang năm 2023, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ, do vậy, mục tiêu của Công ty là tiếp tục đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đồng thời hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Trong đó, PC Lạng Sơn phấn đấu nâng tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 880 triệu kWh, tăng 8,2% so với năm 2022; Tỷ lệ tổn thất điện năng tiếp tục giảm xuống; Số lượng khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt tiếp tục tăng lên; Tỷ lệ thu nộp tiền điện đạt so với kế hoạch đã đề ra; Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện không ngừng được cải thiện…
Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch đó, Công ty Điện lực Lạng Sơn sẽ tập trung đầu tư, hiện đại hóa lưới điện, thi công nhanh các công trình sửa chữa lưới điện lớn, đồng thời, dự trù MBA, vật tư thiết bị dự phòng nhằm ứng phó kịp thời khi có diễn biến phức tạp về thời tiết, đảm bảo cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ theo dõi chặt chẽ thông số vận hành của các MBA, ĐZ trung thế, hạ thế; Thực hiện phương án hoán đổi, nâng công suất MBA chống quá tải; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và số hóa mọi mặt sản xuất kinh doanh… Đặc biệt, toàn đơn vị coi trọng công tác kỹ thuật an toàn trong sản xuất, không để xảy ra sự cố chủ quan và tai nạn lao động; Chủ động ứng phó với mọi biến động của dịch bệnh, thời tiết, môi trường. Mặt khác, PC Lạng Sơn tiếp tục yêu cầu các Điện lực trực thuộc luôn chủ động, linh hoạt đề ra các kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho đời sống nhân dân, phục vụ sản xuất, cùng các sự kiện chính trị xã hội diễn ra trên địa bàn.