Công tác diễn tập định kỳ.
Ninh Bình thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa nóng, mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 10; mùa lạnh, khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.700-1.800 mm, nhiệt độ trung bình: 23,5°C, số giờ nắng trong năm: 1.600-1.700 giờ, độ ẩm tương đối trung bình: 80-85%. Ninh Bình thường xuyên phải chịu tác động trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu sau bão, gây mưa lớn, thời gian kéo dài, nguy cơ lũ úng, lũ trên diện rộng. Từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, Ninh Bình thường có các đợt nắng nóng kéo dài, đối với chống bão và áp thấp nhiệt đới địa bàn trọng điểm là huyện Kim Sơn, Yên Khánh; đối với chống lụt địa bàn trọng điểm là huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư.
Phần lớn lưới điện tại huyện Nho Quan nằm trên địa bàn đồi núi, nhiều cây cối, đi lại khó khăn gây trở ngại lớn trong công tác quản lý vận hành, triển khai khắc phục sự cố, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Lưới điện huyện Kim Sơn nằm trong vùng ven biển, một số nằm ngoài vùng đê bao chắn sóng, rất khó khăn khi khắc phục sự cố trong mùa mưa bão, gió mạnh, sóng lớn.
Sẵn sàng các phương án triển khai
Từ thực tế đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ huy và đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), ban hành phương án vận hành lưới điện đảm bảo hoạt động SXKD trong mùa mưa bão năm 2020 trong đó cụ thể hóa kết dây cơ bản, phương thức vận hành (chế độ bình thường và khi có thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn) và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Tiếp đến là việc tổ chức diễn tập xử lý sự cố cấp Công ty: Diễn tập PCTT&TKCN - Xử lý sự cố lưới điện - Xử lý sự cố thông tin và diễn tập an toàn (diễn tập 4 trong 1) với một tình huống đặc trưng phức tạp. Kết thúc diễn tập họp đánh giá kết quả so sách thực tế với các mục tiêu đề ra, rút ra bài học để nâng cao khả năng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Khi có thiên tai xảy ra Công ty giao các đơn vị triển khai thực hiện tốt phương án đã được chuẩn bị theo phương châm "Bốn tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ", đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị. Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty thường xuyên nắm bắt tình hình cấp điện, tình hình sự cố để có biện pháp chỉ đạo khắc phục hậu quả kịp thời.
Lực lượng trực PCTT&TKCN các đơn vị chuẩn bị đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư sẵn sàng tham gia ngay vào việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trung tâm điều khiển xa; ĐĐV B23 thường xuyên theo dõi thông tin về thiên tai, tình hình khắc phục sự cố để kịp thời khôi phục cấp lại điện cho khách hàng và các đường dây được cắt điện khi có bão lớn, lũ lụt….; chỉ được đóng điện trở lại khi bão tan, nước rút và đã được kiểm tra đảm bảo an toàn đóng điện. Phòng Kỹ thuật tập trung phối hợp chỉ đạo các đơn vị tổ chức lập phương án kỹ thuật để khắc phục nhanh nhất hậu quả do thiên tai gây ra để đảm bảo cấp điện kịp thời.
Công tác ứng phó kịp thời
Cùng với đó là thực hiện các chế độ động viên, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên khi tham gia trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn và giải quyết hậu quả bão lụt; Cấp phát kịp thời, đầy đủ vật tư; điều động phương tiện phục vụ công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Trong quá trình xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai phải thực hiện đúng các quy định về công tác kỹ thuật an toàn, chế độ Phiếu công tác, Lệnh công tác, Phiếu thao tác. Sau mưa bão, nước đầu nguồn dồn về, nếu có nước dâng lên ở các sông, phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nhận biết, nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình nước dâng.
Khi nước dâng mà khoảng cách từ dây dẫn, thiết bị đến mặt nước không đảm bảo an toàn theo quy trình, quy phạm thì phải có biện pháp cảnh báo hoặc ngăn chặn người, phương tiện qua lại khu vực có đường dây điện, trường hợp đe doạ nguy hiểm thì phải chủ động báo cáo Trực ca vận hành để cắt điện khu vực nhằm đảm bảo an toàn.
Công ty Điện lực Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với UBND tỉnh, huyện, thành phố, các xã, phường, chính quyền địa phương phối hợp với ngành điện trong việc truyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức truyên truyền công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão bằng nhiều hình thức như: In tờ rơi phát đến các hộ sử dụng điện sinh hoạt, các khu vực sinh hoạt tập trung tại cộng đồng.
Cùng với đó là việc phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện thành phố thực hiện các phóng sự, chuyên mục về an toàn điện, thực hiện đăng tải các bài viết tuyên truyền trên báo địa phương. Tổ chức tuyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão trên các phương tiện thông tin, truyền hình, phát thanh tỉnh, của từng huyện, xã, phường, thôn, bản. Phối hợp với các đơn vị truyền thông để đăng tải các bài viết, hình ảnh tuyên truyền đảm bảo an toàn trên các trang báo viết và điện tử.