PC Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ tổn thất điện năng

Thứ tư, 23/9/2020 | 09:37 GMT+7
Công tác giảm tổn thất điện năng (TTĐN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu luôn được Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) quan tâm, nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ TTĐN đã được triển khai thực hiện.
pc quang ninh trien khai nhieu giai phap nham giam ty le ton that dien nang
Ảnh minh họa.
 
Ngay từ đầu năm, PC Quảng Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng do Giám đốc Công ty làm Trưởng ban chỉ đạo và các Tiểu ban chỉ đạo GTTĐN do Giám đốc các điện lực làm Trưởng tiểu ban. Ban chỉ đạo và các tiểu ban hoạt động hiệu quả, không hình thức, thường xuyên triển khai các nội dung công việc triển khai GTTĐN ưu tiên các đường dây và TBA có tỉ lệ tổn thất lớn, điện năng tổn thất nhiều. Trong đó, Công ty tập trung vào các giải pháp chủ đạo: Thường xuyên theo dõi tình trạng vận hành các bộ tụ bù trung, hạ thế trên lưới điện để vận hành tối ưu; Lập phương án, dự toán thay thế các cách điện, phụ kiện không đảm bảo vận hành, bổ sung các vị trí tiếp địa không đạt trị số, lắp đặt thêm các thiết bị nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho đường dây: chống sét thông minh, ống bọc cách điện, nắp chụp sứ…Thường xuyên kiểm tra điện áp tại các nút TBA phân phối, điều chỉnh nấc máy biến áp phù hợp; tăng cường kiểm tra đêm sử dụng camera nhiệt kiểm tra các điểm tiếp xúc, mối nối, lèo rời để phát hiện các điểm tiếp xúc kém, phát nhiệt xử lý kịp thời.
 
Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Giám đốc Công ty cho biết -Trong công tác quản lý kỹ thuật – vận hành, các đơn vị thực hiện tốt chế độ kiểm tra định kì và kiểm tra đột xuất theo quy định nhằm phát hiện các tồn tại trên lưới điện để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa sự cố lưới điện, giảm thời gian mất điện, giảm TTĐN; thường xuyên theo dõi các thông số vận hành lưới điện, tình hình tăng trưởng phụ tải để có kế hoạch vận hành, cải tạo lưới điện, hoán chuyển máy biến áp đầy, non tải một cách hợp lý, không để quá tải đường dây, quá tải máy biến áp trên lưới điện; đối với các MBA khách hàng thường xuyên sử dụng non tải cần có biện pháp xử lý để giảm tổn thất không tải; Lập kế hoạch vệ sinh cách điện trên đường dây trung thế và các trạm biến áp đặc biệt ở khu vực bụi bẩn có độ nhiễm mặn cao; Theo dõi đánh giá tình trạng làm việc, hiệu quả các bộ tụ bù trung, hạ áp, có biện pháp hoán đảo, tách loại, vận hành phù hợp; Thực hiện tính toán tổn thất kỹ thuật bằng chương trình Smart Simulator và thử nghiệm chương trình NEM&O để nhận dạng và phân tích tổn thất, đưa ra các giải pháp GTTĐN hợp lý; Sử dụng dữ liệu phần mềm đo xa vào trong công tác QLVH để lấy các thông số về cosφ, tình trạng mang tải, tình trạng lệch pha… tại các TBA để có các giải pháp xử lý kịp thời.
 
Việc ứng dụng các phần mềm cũng mang lại nhiều tiện ích trong việc rà soát lại các trạm biến áp đảm bảo các khách hàng ngay khi phân tải phải được cập nhật thay đổi ngay trong chương trình CMIS, nhằm tính toán nhận dạng đúng bản chất của tổn thất các trạm. Công ty đã tổ chức phúc tra các khách hàng có sản lượng bất thường; Kiểm tra sử dụng điện các khách hàng thuộc TBA có tổn thất cao; Kiểm tra rà soát và thay thế kịp thời các công tơ cháy hỏng, sự cố; theo dõi từ xa tình trạng vận hành các trạm biến áp chuyên dùng (TBACD) và trạm biến áp công cộng(TBACC) để kịp thời phát hiện sự cố của hệ thống đo đếm từ xa, thường xuyên thực hiện khắc phục mất kết nối đo xa, chuẩn hóa lại thông tin mã điểm đo và số công tơ giữa các hệ thống đo xa và CMIS khi thay thế công tơ, nâng công suất, hoán đảo MBA. Thực hiện chốt chỉ số các TBA CC và TBA CD qua đo xa để tính toán tổn thất các TBA chính xác.
 
Tính đến hết tháng 8/2020, công ty đã triển khai các công trình chống quá tải, đầu tư xây dựng mới 83TBA và tiến hành các giải pháp cân đảo pha 528 lượt, san tải được 426 lượt và hoán chuyển 103 MBA; thay định kỳ công tơ được hơn 70 ngàn chiếc, trong đó có 44 ngàn công tơ điện tử, góp phần hiệu quả trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định và giảm tổn thất điện năng.
 
 
Theo: Báo Công Thương