PC Sơn La: Tập huấn, đào tạo vận hành máy rửa cách điện trên đường dây và Trạm biến áp
Với tiêu chí nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục, giảm thiểu tối đa thời gian mất điện cho khách hàng trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh (đảm bảo các chỉ số SAIDI, SAIFI, MAIFI) PC Sơn La đã áp dụng công nghệ mới tiên tiến bằng phương pháp vệ sinh cách điện của lưới điện đang vận hành bằng nước áp lực cao (vệ sinh hotline).
Nếu theo phương pháp thông thường trước đây, định kỳ, mỗi năm, Đội quản lý vận hành lưới điện Sơn La phải tổ chức rửa, vệ sinh sứ cách điện trạm biến áp, đường dây bằng phương pháp thủ công một lần, nhằm chống rò rỉ, tổn thất điện năng và loại bỏ các nguy cơ mất an toàn về điện; cách này thường phải huy động số lượng lao động lớn tham gia và để thực hiện được công việc này cần phải tiến hành cắt điện từ 6 đến 10 tiếng đồng hồ, gây mất điện toàn bộ khu vực, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Do đó, khi đưa vào vận hành công nghệ vệ sinh hotline được các chuyên gia đánh giá cao về độ an toàn, không ảnh hưởng đến vận hành của đường dây vì quy trình được giám sát chặt chẽ từ khâu lập phương án kỹ thuật, hệ thống cấp nước đến khâu kiểm tra kỹ thuật vận hành của công nhân.
Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ mới có hiệu quả, yêu cầu các công nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình vệ sinh cách điện (rửa sứ hotline) lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực.
Công nhân thực hiện phải được đào tạo, tập huấn về những nguyên tắc khi vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao và những điều cần lưu ý khi tiến hành vệ sinh cách điện trong trạm biến áp và trên đường dây dẫn điện. Các yêu cầu đặt ra khi rửa sứ hotline, gồm: nguồn nước dùng để vệ sinh sứ và thiết bị trên lưới điện phải đạt tiêu chuẩn (tức là nước phải qua quá trình khử ion bằng công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện);
Trước khi tiến hành công tác rửa sứ tại hiện trường, cán bộ kỹ thuật và công nhân phải dùng thiết bị kiểm tra mức độ cách điện an toàn của nước và ghi cụ thể vào phiếu công tác; nước đã khử ion phải chứa trong bồn sạch làm bằng nhựa hoặc inox; bồn chứa nước được bố trí cùng với thiết bị động lực để tạo áp lực khi phun nước, giúp công nhân thực hiện công đoạn rửa sạch bụi bẩn bám vào sứ và các thiết bị trên lưới điện nhanh chóng…
Tất cả công nhân thực hiện rửa sứ hotline đều được huấn luyện bài bản từ công tác tổ chức đến thực hành tại chỗ và kiểm tra thi sát hạch đạt, nên mọi thao tác rửa sứ hotline diễn ra thuận tiện nhanh chóng, hiệu quả và an toàn so với cách rửa sứ thủ công trước đây. Ngoài ra, khách hàng, nhất là doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất hài lòng hơn vì không phải bị ngừng hoạt động sản xuất mỗi khi ngành điện thực hiện vệ sinh sứ trên lưới điện...
Từ đó, cho thấy ứng dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ rửa sứ hotline không chỉ phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành lưới điện mà còn góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.
Link gốc