PC Thừa Thiên Huế: Đánh giá thử nghiệm hệ thống DAS với lưới điện mô phỏng thời gian thực

Thứ sáu, 16/9/2022 | 10:22 GMT+7
Sau 3 tháng nghiên cứu, đội ngũ kỹ sư PC Thừa Thiên Huế đã thành công bước đầu trong việc áp dụng giải pháp công nghệ Hardware-In-The-Loop (HIL) của Opal-RT để xây dựng lưới điện mô phỏng thời gian thực có thiết lập kết nối đến hệ thống SCADA. 
Giao diện SCADA mô phỏng 1 tình huống sự cố gây nhảy vượt cấp tại XT474.
 
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đã giả lập các tình huống sự cố trên lưới điện mô phỏng để kiểm thử các phương án khôi phục cấp điện do hệ thống DAS đề xuất. Đây là một cơ sở để đánh giá nghiệm thu chức năng DAS trước khi vận hành trên lưới điện thực.
 
Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, PC Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận thiết bị mô phỏng lưới điện Opal-RT từ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Á với mục đích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý điều hành lưới điện phân phối của Công ty. Với nhu cầu phát triển phụ tải ngày càng lớn, lưới điện ngày càng trở nên phức tạp, việc xây dựng mô hình thực nghiệm mô phỏng lưới điện theo thời gian thực để kiểm tra, thử nghiệm các thiết bị điện cũng như nghiên cứu các tác động lên hệ thống điện thực tế là rất cần thiết.
 
Sau 03 tháng nghiên cứu tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống Lab thử nghiệm để đánh giá kiểm thử các phương án khôi phục lưới điện do hệ thống DAS đề xuất áp dụng trên lưới điện mô phỏng thời gian thực. Hệ thống Lab gồm 03 khối chức năng chính: bộ thiết bị mô phỏng lưới điện, bao gồm máy tính được cài đặt phần mềm HYPERSIM để thiết kế mô hình mô phỏng và thiết bị mô phỏng số OP4510 để nạp và chạy lưới mô phỏng theo thời gian thực; máy tính cài đặt phần mềm ABB SYS600, đóng vai trò là hệ thống SCADA và máy tính cài đặt phần mềm Action.Wise, đóng vai trò là hệ thống DAS.
 
Lưới điện mô phỏng được thử nghiệm là một phân vùng lưới gồm 03 xuất tuyến từ 02 nguồn cấp và 14 thiết bị đóng cắt (Recloser, LBS,…) cùng với các rơle bảo vệ, được kết nối với hệ thống SCADA/DAS thông qua giao thức truyền thông IEC 60870-5-104. Nhờ đó, hệ thống SCADA có thể giám sát toàn bộ các thông số lưới cũng như lệnh điều khiển đóng cắt các thiết bị. Bằng việc sử dụng chức năng ScopeView trên phần mềm HYPERSIM, nhóm nghiên cứu đã giả lập được các tình huống sự cố khác nhau trên lưới điện (ngắn mạch 3 pha, chạm chất 1 pha,…) cùng với tác động của hệ thống rơle bảo vệ, quan sát được các thông số của hệ thống theo thời gian thực trong suốt thời gian mô phỏng.
 
Với từng tình huống sự cố được giả lập, hệ thống SCADA sẽ ghi nhận được các tín hiệu cảnh báo và các thay đổi của trạng thái thiết bị đóng cắt được gửi từ lưới điện mô phỏng. Ngay sau đó, hệ thống DAS sẽ tính toán, đề xuất các phương án khôi phục phụ tải và gửi các lệnh điều khiển thiết bị đóng cắt về hệ thống SCADA để tái cấu hình lưới điện mô phỏng với phương án khôi phục tối ưu nhất. Dựa vào kết quả trên, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành đánh giá, so sánh với kết quả tính toán trên phần mềm giả lập và kinh nghiệm thực tế vận hành của các điều độ viên. Từ đó, có thể đánh giá được độ ổn định và chất lượng của lưới điện sau khi thực thi phương án khôi phục.
 
Bằng hệ thống Lab thử nghiệm trên, PC Thừa Thiên Huế đã có thể chủ động kiểm thử trước các phản ứng tự động của hệ thống DAS theo thời gian thực với các dạng sự cố trên các vùng lưới điện dự kiến sẽ được triển khai trong dự án đầu tư hệ thống DAS tới đây. Đây cũng có thể xem như là một giải pháp giúp giảm nguy cơ tiềm ẩn hư hỏng thiết bị cũng như hạn chế mất điện khi phải tạo sự cố thật trên lưới điện để đánh giá phản ứng của hệ thống trong thực tế.
Theo: CPC