Quản lý năng lượng

PVN quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo

Thứ năm, 7/9/2017 | 14:03 GMT+7
Với tình trạng giá dầu suy giảm kéo dài cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng mới, đã đến thời điểm ngành công nghiệp dầu khí phải có sự nhìn nhận, chuẩn bị nghiêm túc trong chiến lược đầu tư, phát triển trong tương lai.


Tiến sĩ Lê Xuân Huyên, Trưởng ban Chế biến Dầu khí PVN tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng KHCN PVN nhiệm kỳ 2017-2019.

 
Tại các nước phát triển như Đức, Nhật, Hoa Kỳ, các nhà máy điện mặt trời đang sử dụng hệ thống gương tập trung nhiệt mặt trời, tạo ra hơi nước chạy turbine phát điện. Riêng trong các hộ gia đình, việc dùng máy nước nóng năng lượng mặt trời hoặc chiếu sáng đang dần trở nên phổ biến. Ngay tại Việt Nam, máy nước nóng năng lượng mặt trời đang được sử dụng tại hàng vạn hộ gia đình với tổng chi phí mua thiết bị, lắp đặt khoảng 9-10 triệu đồng, giúp tiết kiệm tiền điện đáng kể.
 
Hiện nay, lượng năng lượng sơ cấp cung cấp trung bình cho mỗi người Việt Nam chỉ vào khoảng 700kg quy dầu/người/năm, tương đương với 1/3 lượng năng lượng trung bình so với thế giới. Trong khi đó, tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam đang còn rất lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng lượng gió của Việt Nam có tiềm năng khoảng 2 triệu MW; năng lượng mặt trời 6,7 triệu MW; năng lượng địa nhiệt với 39 vị trí tiềm năng cũng có tổng công suất khoảng 680MW.
 
Đặc biệt, tiềm năng sinh khối, nhiên liệu sinh học tại nước ta là vô cùng lớn với gỗ củi có khoảng 119,18 triệu MWh (29,47 triệu tấn); phụ phẩm từ cây nông nghiệp (rơm rạ, trấu, bã mía…) là 256,32 triệu MWh (78,75 triệu tấn); khí sinh học biogas (phân hủy từ phân động vật, phụ phẩm nông nghiệp) có thể cung cấp 7,51 triệu MWh (10 triệu tấn).
 

Cánh đồng phong điện tại Bạc Liêu.
 
Trong thực tế, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Việt Nam đã có những bước đầu xây dựng nhưng vẫn còn ở dạng sơ khai. Có thể kể đến 4 nhà máy nhiên liệu sinh học có tổng công suất khoảng 450.000m3 ethanol. Còn năng lượng gió cũng đã hoàn tất phát điện Nhà máy Phong Điện 1 Bình Thuận (30MW), Bạc Liêu (99,2MW), Phú Lạc (24MW), Phú Quý (6MW). Ngoài ra khoảng 1.300 máy phát điện gió cỡ gia đình (150-200W) lắp đặt sử dụng chủ yếu vùng ven biển miền Trung, Đà Nẵng trở vào. Năng lượng mặt trời đã được lắp đặt tại một số đơn vị hành chính quốc gia (Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trụ sở Bộ Công Thương…) hoặc ở một số đảo xa nguồn điện như Trường Sa: 4.000 tấm pin x 220W, Côn Đảo….
 
 
Đánh giá về sự ảnh hưởng của các nguồn năng lượng mới đối với ngành Dầu khí Việt Nam, tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhiệm kỳ 2017-2019, TS Lê Xuân Huyên đã nhấn mạnh: “Có thể thấy rằng, xu thế phát triển năng lượng tái tạo là bất khả kháng, bởi những nguyên nhân khách quan như chi phí sản xuất ngày càng rẻ, công nghệ phát triển nên tăng cao độ bền cho thiết bị, giảm phát thải nhà kính…, năng lượng tái tạo sẽ dần dần thay thế năng lượng hóa thạch là điều tất yếu”.
 

Phong điện trên đảo Phú Quý.
 
Lấy một số ví dụ trên thế giới như: Tập đoàn Shell (Hà Lan) đã liên doanh với Công ty Raizen ở Brazil (50% cổ phần) sản xuất ethanol từ mía đường (2 tỉ lít ethanol/năm) và từ bã mía (năm 2016 sản xuất 6,9 triệu lít). Shell còn liên doanh với Air Liquide, Daimler, Linde, Total… phát triển mạng lưới trạm nạp nhiên liệu hydro, điện cho giao thông. Cụ thể đang vận hành 9 trạm nạp hydro ở Đức, Mỹ, Anh và tham gia một số dự án phát triển điện gió ở Mỹ, Hà Lan. Còn Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) cũng đang vận hành 3 nhà máy sản xuất ethanol từ mía đường tại Brazil. Chỉ trong năm 2016, 3 nhà máy này cũng sản xuất 733 triệu lít ethanol và 562GWh điện từ bã mía cung cấp cho lưới điện. Đồng thời BP cũng là chủ đầu tư, vận hành 14 trang trại gió tại 8 bang của Mỹ với tổng công suất theo phần vốn góp là 1.452MW.
 
Như vậy, có thể thấy rằng, năng lượng tái tạo sẽ dần chiếm thị phần của năng lượng hóa thạch. Lĩnh vực này có ưu điểm bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, vì vậy, các nước (đặc biệt các nước phát triển) có xu hướng ban hành các quy định sẽ hạn chế việc sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Và nhiệm vụ cấp thiết của PVN là cần đánh giá, nghiên cứu, đầu tư đúng mức đối với các nguồn năng lượng tái tạo để có chiến lược phát triển đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các nguồn dầu khí trong nước suy giảm.
 
Hội đồng KHCN PVN đã xây dựng kế hoạch đề xuất PVN tổ chức bộ phận chuyên môn theo dõi tình hình, diễn biến phát triển năng lượng mới, tái tạo để có điều chỉnh kịp thời chiến lược, quy hoạch phát triển của Tập đoàn, phù hợp với thị trường năng lượng thế giới.

 
Năng lượng Mới