Toàn cảnh hội thảo.
Nhiệt điện than giữ vai trò quan trọng
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Văn Lượng- Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn & môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên (số giờ vận hành thấp trung bình 1.800 - 2.000 giờ/năm), chiếm dụng diện tích lớn (trung bình 1 MW điện mặt trời chiếm mất 1,2-1,5ha), chi phí cho hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống rất cần có nguồn chạy nền để đáp ứng được ổn định điện phụ tải. "Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng, việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức", ông Lượng cho biết.
Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, trong đó 7 nhà máy dùng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) sử dụng than nội địa chất lượng thấp (cám 6), 14 nhà máy dùng công nghệ than phun (PC) sử dụng than nội địa chất lượng tốt hơn (cám 5), than nhập bitum và á bitum với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, tới năm 2015, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn chiếm tới 67,5% tổng sản lượng điện quốc gia và sẽ giảm rất nhanh theo nhu cầu tổng sản lượng điện. Trong khi nhiệt điện than năm 2015 chỉ có 30,4% tới năm 2020 đã tăng lên 49,3%, năm 2025 tới 55% và 2030 là 53,2% (theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).
Đặc biệt, sau khi Việt Nam quyết định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng nguồn năng lượng thiếu hụt sẽ được thay thế bằng nhiệt điện than, nghĩa là tới năm 2030 tỷ lệ nhiệt điện than về cơ học có thể chiếm tới 59 - 60%.
“Các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện. Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh kinh tế nên nhu cầu điện năng rất cao. Trên thế giới hiện nay, điện năng từ nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Khi các quốc gia trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo, từ đó mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo.
Khẳng định nhiệt điện than đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Giai đoạn năm 2020-2030 sẽ bổ sung khoảng 6.000 MW nhiệt điện và LNG (khí hóa lỏng) nhập khẩu đủ năng lực để thay thế 4.600MW Dự án điện hạt nhân về sản lượng điện cho hệ thống. Tuy nhiên, đối với nhiệt điện than, khí và LNG nhập khẩu có thể xã hội hóa việc huy động vốn đầu tư thông qua các hình thức thực hiện dự án BOO, BOT,... nên không làm tăng nợ công cho ngân sách như trong trường hợp đầu tư điện hạt nhân. Đối với giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than, LNG; năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...”.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, thời điểm hiện tại và trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện thẩm định Đề án quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung các giải pháp về môi trường
Cũng theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi (nhiệt độ, áp suất) trên tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường. “Phát triển nhiệt điện than phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đối với các dự án xây mới, sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-SOx, De-NOx, ESP khử bụi), đối với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng,… nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như của quốc tế”- Thứ trưởng khẳng định.
Đưa ra các giải pháp về môi trường, ông Đoàn Ngọc Dương, Viện Năng lượng- Bộ Công Thương cho rằng, về tổng thể có thể thấy, hiện tại cũng như trong thời gian tới, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đều đã, đang và sẽ được áp dụng các thiết bị và công nghệ kiểm soát phát thải khí phù hợp, tiên tiến, có công nghệ an toàn, tin cậy, đã được kiểm chứng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện hành cũng như dự phòng cho khả năng quy định về phát thải chặt chẽ hơn nữa trong tương lai.
Thực tế cũng cho thấy, nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Tính trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9 - 1,5kg tro, xỉ. Hiện nay trên toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động và dự kiến sau năm 2020, cả nước sẽ có 43 nhà máy nhiệt điện. Do vậy, xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường thông tin phát biểu bên lề hội thảo.
Các ý kiến tại hội thảo đã tập trung đề cập đến những giải pháp để đảm bảo môi trường hài hòa với sự phát triển điện năng của đất nước. Sửa đổi Nghị định 38 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và xử lý tái chế tro, xỉ. Đối với Quy chuẩn 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cần có những sửa đổi, ban hành phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.
Ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường thông tin thêm, thời gian tới, với sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương sẽ tạo điều kiện để các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển các dự án điện, giúp cho các Bộ, ngành và chủ đầu tư có các giải pháp để các dự án đầu tư nhiệt điện than đúng tiến độ, đảm bảo hiệu suất cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.