Toàn cảnh khu vực nhà máy thuỷ điện Đrây H'Linh 1
Nhà máy Thuỷ điện Đrây-H’linh được xây dựng trên sông Sêrêpốk, thuộc địa bàn xã Hoà Phú, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk. Nhà máy có công suất lắp đặt 12 MW được đưa vào vận hành từ cuối năm 1989. Từ đó đến nay, Nhà máy đã sản xuất ra hơn 1,1 tỷ kWh điện góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chính trị và an ninh-xã hội trên địa bàn. Nhân dịp Nhà máy hoàn thành sớm kế hoạch được giao trong năm 2008, chúng tôi đã đến Nhà máy để tìm hiểu thêm về tin vui này. Tiếp chúng tôi tại Nhà máy, anh Phan Văn Dũng, Quản đốc PX. Thuỷ điện Đrây-H’linh vui vẻ cho biết: “Năm nay có nhiều thuận lợi về thời tiết, nguồn nước khá dồi dào, các tổ máy luôn đủ nước để chạy, thời gian phát điện của các tổ máy nhiều hơn năm trước nên Phân xưởng sớm hoàn thành kế hoạch được giao. Nếu không có gì thay đổi thì kết thúc năm 2008, Phân xưởng sẽ vượt kế hoạch khoảng 17 triệu kWh điện”. Quay sang tôi, anh nói vui: “Nói vậy để biết thôi, “nhà báo” đừng có viết bài đăng báo như hôm trước mà kẻo khổ cho cái thân tôi nhé!”. Nghe có vẻ lạ, gặng hỏi được biết, sau khi kết thúc 6 tháng năm 2008, tôi có viết một mẫu tin về PX. Thuỷ điện Đrây-H’linh đã sản xuất vượt gần 10 triệu kWh điện đăng trên Bản tin Điện lực Miền Trung và trang thông tin điện tử của PC3, ngay sau khi mẫu tin trên được đăng, nhiều đồng nghiệp đã điện chúc mừng và đề nghị anh Dũng …khao! Theo họ, vượt kế hoạch nhiều vậy thế nào mà chả có thưởng, mà có thưởng thì ắt phải …khao, thế thôi! Đang vui, anh “bắt” ngược lại tôi khao, với lý do là có tiền nhuận bút của mẫu tin đó, tôi bảo: “Tiền nhuận bút cái tin hôm trước, Giám đốc PC3 đã trả cho tôi, tôi đồng ý khao nhưng với một điều kiện là thiếu bao nhiêu anh bù vào…”(!).
Anh cho biết thêm: “Đúng là làm thủy điện cái quan trọng nhất là… nước, có nước mới chạy được các tổ máy. Trong quá trình vận hành, không phải lúc nào cũng đủ nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là tính toán làm sao để khai thác nguồn nước một cách tối đa nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, kể cả lúc đủ hoặc chưa đủ nước chạy đồng thời 3 tổ máy. Năm nay, khi bước vào mùa khô, Ban Giám đốc Điện lực cũng đã thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo sát sao các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ, đề xuất phương án bảo dưỡng các tổ máy một cách hợp lý, tránh bảo dưỡng vào mùa mưa. Trong quá trình bảo dưỡng cũng cần đề ra phương án, biện pháp nhằm rút ngắn thời gian bảo dưỡng xuống thấp nhất. Trong năm 2008, từ việc bảo dưỡng các tổ máy, thời gian đã được rút ngắn từ 15 ngày/tổ máy xuống còn 10 ngày/tổ máy, nhờ vậy mà tăng được thời gian phát của các tổ máy. Bên cạnh đó, số công nhân trực cũng phải thường xuyên kiểm tra các thông số kỹ thuật để điều chỉnh phù hợp, tránh các sự cố do nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến thời gian hoạt động của các tổ máy…”.
Hệ thống phao chắn bèo nhà máy thủy điện Đrây H'Linh
Dẫn chúng tôi lên cửa nhận nước, chỉ về phía thượng nguồn nơi có lắp đặt hệ thống phao chắn bèo, anh nói: “Trước đây, khi xây dựng Nhà máy, người ta cũng đã tính toán đến việc củi, rác, bèo ở phía thượng nguồn trôi vào cửa nhận nước làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ máy, nên đã cho lắp đặt các thùng phuy để chắn, nhưng cứ một thời gian ngắn là các thùng phuy bị thủng do rỉ, sét nước tràn vào bị chìm, nay PX đã dùng thùng nhựa để chắn nên đã hạn chế được những khiếm khuyết nói trên. Đó là nói về các vật trôi nổi nhìn thấy được trên mặt nước, còn các chất rắn trôi ngầm dưới dòng sông vào mùa mưa cũng rất nhiều. Do không nhìn thấy được nên hàng tháng có từ một đến hai lần (tùy theo lũ nhiều hay ít), PX chỉ đạo thợ lặn của phân xưởng lặn trước cửa nhận nước để trục vớt những thân cây hoặc những vật rắn khác trôi vào cửa nhận nước, tạo cho cửa nhận nước luôn thông thoáng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ máy”.
Khi được hỏi về những sáng kiến trong quá trình sản xuất, anh Dũng tự hào cho biết, năm nay, đơn vị có một sáng kiến đề nghị Hội đồng xét sáng kiến của Điện lực xem xét, rất vui, sáng kiến đó đã được Hội đồng công nhận loại A. Khi sáng kiến này được áp dụng đã giảm bớt nhiều công đoạn trong quá trình sử dụng và dễ kiểm tra khi bị sự cố. Tác giả của sáng kiến đó chính là kỹ sư Nguyễn Ngọc Châu, kỹ thuật viên của phân xưởng, đề tài sáng kiến: Sử dụng bộ điều khiển lôgic khả trình (PLC) để điều khiển các máy cắt tự dùng.
Nhìn dòng nước cuồn cuộn trôi qua đập tràn, anh Dũng cho biết theo kinh nghiệm mọi năm, với lượng nước này nếu trời không mưa thì đến cuối tháng 12.2008 nước mới không tràn qua đập. Và như vậy, năm 2009 sẽ lại có một khởi đầu tốt đẹp cho thuỷ điện Đrây H’Linh.