Tin trong nước

Về với Lâm Thuỷ

Thứ năm, 25/12/2008 | 10:18 GMT+7
Lâm Thủy là xã miền núi vùng sâu thuộc loại khó khăn nhất của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Địa hình của xã trải dài trên 30km dọc biên giới Việt-Lào, với diện tích tự nhiên rộng hơn 240km2. Toàn xã có 11 bản với 257 hộ và 1.176 người, trong đó đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều chiếm trên 95% dân số.
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi như đầu tư công trình cấp điện lưới cho xã, chương trình 135, chương trình phát triển cụm xã khu vực biên giới... Lâm Thủy đã có sự chuyển biến tích cực. Kể từ khi có điện từ năm 2003 do dự án NLNT do PC3 làm chủ đầu tư đến nay, Lâm Thủy đã có nhiều đổi thay về cuộc sống vật chất, tinh thần đưa miền núi gần hơn với miền xuôi. Điều ghi nhận đầu tiên là Lâm Thủy thực hiện khá tốt công tác định canh, định cư và có sự thay đổi tập quán sinh sống từ bao đời nay của đồng bào dân tộc ít người. Dọc nhánh Tây đường Hồ Chí Minh trên đoạn dài 25km, có nhiều cụm dân cư mới được hình thành. Đây là những khu vực đã có điện đảm bảo cho cuộc sống và sinh hoạt của đồng bào, trong đó có bản Xà Khía là vùng trung tâm xã với gần 40 hộ dân sinh sống.

 Ông Hồ Kim, Chủ tịch UBND xã cho biết: Qua 2 năm vận động, đến cuối năm 2005 nhờ có điện mà xã đã có bước qui hoạch về các cụm dân cư và có sự khởi sắc nhờ hai phần ba số hộ làm được nhà khá khang trang. Cũng nhờ có điện mà dịp Quốc khánh 2/9 vừa rồi, tại trung tâm xã được đầu tư xây dựng một trạm thu phát sóng điện thoại di động tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. Do làm tốt công tác định canh định cư nên đến nay trên địa bàn xã đã cơ bản chấm dứt tình trạng chặt phá rừng để làm nương rẫy như trước đây. Nhờ có điện mà bà con có thể bơm nước để phục vụ cho sản xuất, trồng trọt gần 5ha lúa nước, 50ha lạc và ngô được áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ…

Tuy nhiên, hiện nay một trong những khó khăn nhất của Lâm Thủy là đường sá đi lại, nhất là vào mùa mưa. Từ cuối tháng 9 đến nay, do ảnh hưởng của bão số 7 và liên tục nhiều ngày mưa lũ đã chia cắt, cô lập xã với trung tâm huyện. Anh Đỗ Hữu Tùng là công nhân được Điện lực ký hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng cho 234 hộ và quản lý 7,1km đường dây hạ áp của xã cho biết: Những ngày lụt bão vừa qua, việc đi lại ghi chỉ số công tơ hoặc thu tiền điện gặp ở các bản trong xã rất nhiều khó khăn do khe suối lũ dâng cao, nước chảy xiết hết sức nguy hiểm và chia cắt đột ngột lối đi về…

Trên khuôn mặt có phần mệt mỏi, anh Tùng giãi bày: “Tình hình thời tiết như thời gian qua, muốn đi từ xã về Chi nhánh điện Lệ Thủy để nộp tiền hoặc nhận hóa đơn tiền điện từ Chi nhánh về xã phải đi theo Tỉnh lộ 11, qua Nông trường Việt Trung thuộc huyện Bố Trạch với chiều dài gần 180km, hết sức vất vả và tốn kém so với số tiền được hợp đồng. Trước đây khi tuyến đường 16 và Tỉnh lộ 10 không bị tắc ở ngầm km 28 và một số khe suối thì quãng đường từ xã về Chi nhánh chỉ khoảng 70km. Tuy đường đèo dốc lởm chởm nhưng dù sao vẫn còn đỡ hơn so với hành trình đi vòng vèo kia…”

Một bản của xã Lâm Thuỷ

Do địa hình rừng núi nên công tác QLVH lưới điện trung áp cấp điện cho các xã phía Tây, trong đó có xã Lâm Thủy của Chi nhánh điện Lệ Thủy gặp rất nhiều trở ngại, nhất là khi mưa lũ. Sự cố thường hay xảy ra những lúc này nhưng điều kiện đi lại để xử lý và khắc phục sự cố hết sức vất vả, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của CBCNV ngành điện.

Mặc dù Lâm Thủy đang là xã khó khăn nhất của huyện Lệ Thủy, nhưng con đường phát triển kinh tế của xã miền núi này đang dần được mở ra và cơ hội giao lưu hàng hóa với miền xuôi ngày càng lớn khi Tỉnh lộ 10 đang được sửa chữa mở rộng. Từ ngày có điện đến nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc đã được thay đổi cơ bản. Tuy còn nhiều trăn trở và vất vả, nhưng Lâm Thủy đã có sự khởi sắc đáng ghi nhận, trở thành điểm sáng nơi biên cương của Tổ quốc.

Theo PC3