Ảnh: Lê Minh Thành- PC Quảng Trị.
Năm 1972, vùng giải phóng Quảng Trị được mở rộng đến bờ Bắc sông Thạch Hãn, Bộ Điện và Than đã ban hành quyết định cử đoàn công tác điện lực đặc biệt gọi tắt là Đoàn công tác Đ73 do ông Văn Giai làm Trưởng đoàn vào Đông Hà (Quảng Trị). Đây là đoàn chi viện điện lực đầu tiên có quy mô cho vùng đất mới giải phóng, đánh dấu thời kỳ đầu phát triển điện lực cách mạng trên quê hương Quảng Trị anh hùng.
Đoàn Đ73 với số lượng cán bộ công nhân viên ban đầu không nhiều và được trang bị hơn 15 tổ máy phát điện diesel có công suất từ 10 đến 50 kW, chia thành nhiều cụm, rải khắp cả vùng mới giải phóng để cung cấp điện cho Tỉnh ủy, Ty An ninh và UBND tỉnh Quảng Trị; Bệnh viện tỉnh; cảng Đông Hà, trao trả tù binh, các đơn vị quốc phòng. Đặc biệt là phục vụ các sự kiện ngoại giao lớn như đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị tại Đông Hà, Cam Lộ; phục vụ đại sứ các nước trình Quốc thư tại trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ và một phần nhỏ để phục vụ dân sinh trên địa bàn...
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập nhà máy điện Quảng Trị trực thuộc Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị quản lý. Cán bộ công nhân viên nhà máy có thêm nhiệm vụ tiếp quản lưới điện dã chiến của chế độ cũ tại thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng mới giải phóng đầu năm 1975, đồng thời gấp rút chuẩn bị xây dựng nhà máy phát điện diesel gồm 6 tổ máy G66 với tổng công suất 3.240 kW đặt tại khu vực gần hồ Khe Mây thuộc địa phận Phường 3, thành phố Đông Hà.
Ảnh: Lê Minh Thành- PC Quảng Trị.
Sau khi hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên một thời gian, để phù hợp với mô hình tổ chức, tháng 1/1977, Nhà máy điện Quảng Trị được đổi tên thành Chi nhánh điện Quảng Trị trực thuộc Sở Quản lý và Phân phối điện Bình Trị Thiên.
Qua hơn 12 năm hoạt động dưới mô hình Chi nhánh điện Quảng Trị, có thể nói đây là thời kỳ đầu ngành điện Quảng Trị chuyển từ chế độ phát điện phục vụ sang hoạt động vừa phục vụ, vừa kinh doanh.
Mặc dù điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, song song với việc đưa nhà máy phát điện diesel vào hoạt động cùng với các đường dây (ĐZ) 6 kV để phục vụ các nhu cầu sản xuất tiêu dùng tại Đông Hà và vùng phụ cận, ngành điện cũng tập trung xây dựng phát triển hệ thống các ĐZ 35 kV, các trạm trung gian 35/10 kV tại các vùng Thành Cổ Quảng Trị, Hội Yên, Cam Lộ, Vĩnh Linh và hệ thống ĐZ 10 kV, các trạm phụ tải để phục vụ một số trạm bơm nước tưới, tiêu cho các vùng nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn hạn hẹp của huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu phong, Hải Lăng đồng thời cấp điện thêm cho một số khách hàng sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên, tình trạng cúp điện diễn ra thường xuyên, liên tục.
Đến giữa năm 1984, Nhà máy phát điện diesel Khe Mây cùng với nhà máy điện DG 64 Đồng Hới (Quảng Bình) và nhà máy điện Huế đã hòa chung lưới điện ĐZ 35 kV qua 3 tỉnh Quảng Bình- Quảng Trị - Thừa Thiên Huế với chiều dài khoảng 180 km.
Đến cuối năm 1989 khi tái lập tỉnh, Quảng Trị đã có 4 trạm biến áp trung gian 35 kV với tổng dung lượng 4.000 kVA; 38 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng gần 8.000 kVA; hơn 150 km đường dây cao thế 35 kV, 10 kV, 6 kV và một số lượng lớn đường dây hạ thế 0,4 và 0,2 kV; sản lượng điện đạt xấp xỉ 8 triệu kwh/năm.
Sau khi Quảng Trị chính thức trở lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương, tháng 10/1989 Bộ Năng lượng đã ban hành quyết định thành lập Sở Điện lực Quảng Trị trực thuộc Công ty Điện lực 3, nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) trên cơ sở Chi nhánh điện Quảng Trị, là đơn vị kinh tế, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế trong nội bộ Công ty Điện lực 3.
Với cơ sở hạ tầng nguồn, lưới điện nhỏ lẻ, manh mún, trước tình hình đó năm 1990 tỉnh đã chi ngân sách, góp vốn cùng ngành điện đầu tư xây dựng hai tổ máy phát điện diesel G72 với công suất 1.600 kW, góp phần giải quyết khó khăn ban đầu về nguồn điện cho tỉnh nhà khi chưa có điện lưới quốc gia.
Tháng 8/1990, điện lưới quốc gia về trên lãnh thổ miền Trung, tạo ra một bước ngoặt lịch sử đối với ngành điện Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung. Từ đây, bằng nhiều nguồn vốn, ngành điện và người dân Quảng Trị đã đẩy mạnh phong trào xây dựng, phát triển lưới điện về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.. Chỉ trong vòng ba năm 1990-1993, bằng nguồn vốn tự đóng góp người dân đã xây dựng mới 53 trạm biến áp, đưa điện lưới quốc gia đến với 45 xã ở vùng nông thôn.
Năm 1996, ngành điện chuyển sang hạch toán kinh doanh, bàn giao chức năng quản lý nhà nước về điện cho các Sở Công nghiệp địa phương, Sở Điện lực Quảng Trị đổi tên thành Điện lực Quảng Trị trực thuộc Công ty Điện lực 3.
Trong thời gian này nhiều dự án để nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện với chất lượng ngày càng cao như Dự án cải tạo lưới điện thị xã Đông Hà và thị xã Quảng Trị bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Châu Á (ADB); các dự án dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn (KFW-vốn vay Ngân hàng tái thiết Đức; ADB-vốn vay Ngân hàng Châu Á, dự án DEP vay vốn WB, dự án JBIC... đã được triển khai trên quy mô lớn.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, năm 1998, Điện lực Quảng Trị thực hiện bán điện qua các huyện thuộc tỉnh Savanakhet, năm 2003 qua tỉnh Salavan nước CHDCND Lào. Công ty cũng đã hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn từ năm 2000, lưới điện hạ áp nông thôn năm 2008, là đơn vị đầu tiên trong toàn miền Trung và Tây Nguyên hoàn thành sớm công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn.
Ảnh: Lê Minh Thành- PC Quảng Trị.
Năm 2010 việc chuyển đổi Điện lực Quảng Trị thành Công ty Điện lực Quảng Trị trực thuộc EVNCPC hoạt động theo mô hình mới đã tạo được sự tự chủ, trách nhiệm hơn trong các lĩnh vực quản lý, vận hành kinh doanh bán điện.
Trong quá trình hơn 30 năm từ sau khi tái lập tỉnh, quy mô lưới điện phát triển mạnh, số lượng trạm 110 kV ngày càng tăng đi kèm với việc giảm các trạm trung gian 35/10 kV, tính đến thời điểm này PC Quảng Trị đang quản lý, vận hành 8 trạm biến áp 110 kV, 2.334 trạm biến áp phân phối. 359,9 km ĐZ 110 kV; 2.141 km ĐZ trung áp; 3.947 km ĐZ hạ áp với hơn 215 ngàn khách hàng. Lưới điện đã về tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn với 100% xã phường, thôn bản và trên 99,84% số hộ dân có điện.
Dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2023 gấp hơn 100 lần so với năm tái lập tỉnh. Lực lượng cán bộ công nhân phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Đã hình thành được Trung tâm điều khiển SCADA hiện đại. Nhiều trang thiết bị tiên tiến được trang cấp để phục vụ công tác quản lý vận hành kinh doanh bán điện như sửa chữa điện nóng, camera nhiệt…100% hệ thống công tơ được điện tử hóa, đo đếm từ xa…thực hiện.
Cùng với việc phát triển lưới điện truyền tải, xây dựng Nhà máy thủy điện Quảng Trị của ngành, hàng trăm nhà đầu tư độc lập đã tham gia đầu tư vào các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà trên địa bàn với tổng công suất trên 1100 MW.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng PC Quảng Trị luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các bộ ngành đầu tư như Công trình điện khí hóa xã Gio Hải, Công trình điện Pa Nho - Đông Khánh là quà tặng của Công ty Điện lực Cộng hòa Pháp (EDF); Công trình điện A Dơi và Pa Tầng là quà tặng của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cho bà con Vân Kiều các xã vùng Lìa huyện Hướng Hóa.
Tiếp nối truyền thống 50 năm xây dựng trưởng thành của ngành điện, PC Quảng Trị xác định mục tiêu là thay đổi phương thức quản lý điều hành theo hướng tiếp cận khoa học, hiện đại, đại chúng, phục vụ trong đó coi trọng những đòi hỏi cơ bản của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội đó là cung ứng đủ điện; giảm thiểu việc gián đoạn cấp điện; đảm bảo chất lượng điện; lưới điện an toàn; các tổ chức, cá nhân khi cần dùng điện chỉ cần thủ tục đơn giản, nhanh chóng; nhân viên ngành điện tiếp xúc với người dân vui vẻ, lịch sự; thanh toán tiền điện thuận tiện, nhanh chóng.
Để thực hiện được mục tiêu này PC Quảng Trị cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh cũng như ngành điện để hoàn thiện hợp phần quy hoạch điện trong đề án quy hoạch kinh tế - xã hội chung của tỉnh; Bám sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương, các sự kiện chính trị của địa phương để đáp ứng tốt các nhu cầu điện trong đó chú trọng nâng cao sự thuận lợi trong tiếp cận của khách hàng thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng như các hình thức giao dịch khác.
Tập trung công tác đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp lưới điện và các trang bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý vận hành, kinh doanh bán điện ngày càng tiên tiến, hiện đại trong đó chú ý đến các nội dung của lưới điện thông minh; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề có chất lượng tốt, luôn luôn sáng tạo, đổi mới, nhiệt huyết với công viêc, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, phù hợp với sự phát triển đổi mới công nghệ chung trên toàn thế giới…
Đẩy mạnh việc cụ thể hóa công tác chuyển đổi số trên từng lĩnh vực quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của đơn vị; Thiết lập phương thức vận hành hệ thống điện, phương thức quản lý kỹ thuật lưới điện đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục, ổn định cho nhu cầu sản xuất, đời sống; Đổi mới và ngày càng hoàn thiện hơn quy trình kinh doanh điện; tạo mối quan hệ thân thiện, bình đẳng, cùng có lợi với khách hàng dùng điện.
Tạo môi trường lao động an toàn, hiện đại, văn minh, lành mạnh; Xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp đến toàn thể cán bộ công nhân, xây dựng tập thể đoàn kết, yêu thương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Có thể nói rằng với truyền thống hào hùng của Đoàn Đ73 lịch sử được xây dựng từ 50 năm trước, những đồng nghiệp của họ ở các thế hệ tiếp theo đã, đang kế thừa, phát huy và nguyện đem hết tâm lực để cống hiến cho sự phát triển của ngành điện tỉnh Quảng Trị, cho sự mạnh giàu của quê hương, đất nước.