Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu khai mạc hội nghị.
Tham dự hội nghị, có ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban); ông Nguyễn Long Hải – Bí thư Đảng ủy Doanh nghiệp khối Trung ương; ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Nguyễn Đức Phong – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban.
Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV, ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc tập đoàn.
Tạo cơ chế dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Hội nghị đã tập trung trao đổi về những khó khăn, vướng mắc cũng như các giải pháp để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong năm 2023 cũng như giai đoạn tới – được dự báo sẽ có rất nhiều thách thức.
Một trong những nội dung được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhấn mạnh tại hội nghị, đó là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, khuôn khổ pháp lý trong quá trình thực thi các nhiệm vụ.
Lãnh đạo một số tập đoàn chia sẻ, có những khó khăn, vướng mắc kiến nghị rất nhiều lần, qua rất nhiều cuộc họp cũng như có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, nhưng không được tháo gỡ, hoặc thời gian xem xét kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Long Hải - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ hoặc chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cũng cho rằng, với các doanh nghiệp tư nhân, có lợi thì họ mới thực hiện; còn các doanh nghiệp nhà nước, khi đất nước khó khăn, vai trò góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Do đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để các doanh nghiệp nhà nước có thể bứt phá, thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, cần có cơ chế, tạo động lực để doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bởi tâm lý để “an toàn” nên “không làm” sẽ cản trở sự phát triển.
Bên cạnh đó, cần có sự liên kết trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là các doanh nghiệp thuộc Ủy ban để hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả điều này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò điều tiết.
Cần mở rộng phạm vi và thị trường cung ứng dịch vụ
Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, trong thời gian qua, EVN thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, EVN là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp dịch vụ công ích cho xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước.
Riêng năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt giá nhiên liêu tăng cao dẫn đến nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn về năng lượng. Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng EVN đã thực tốt nhiệm vụ được giao. Trong 10 tháng đầu năm 2022, nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng điện đã đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng ngành công nghiệp và đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, năm 2022, do giá nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí… tăng đột biến đã làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao, dẫn tới mất cân đối tài chính rất lớn.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm chính trong việc đảm điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới, EVN đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp và Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc giao các tập đoàn kinh tế nhà nước (EVN, PVN, TKV) đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm và giữ tỷ lệ đầu tư nguồn phù hợp trong các giai đoạn phát triển theo quy hoạch.
Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN tham gia hội nghị.
Bên cạnh đó, với định hướng phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) trong thời gian tới theo Qui hoạch điện VIII, đặc biệt các nguồn điện gió ngoài khơi EVN đang xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN, với vai trò là Tập đoàn năng lượng hàng đầu tại Việt Nam, liên doanh với đối tác trong nước và nước ngoài nghiên cứu chế tạo và từng bước chuyển giao, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị điện gió và tham gia vào chuỗi cung ứng, trở thành mắt xích quan trọng để phục vụ ngành công nghiệp NLTT từ thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp đặt vận hành và bảo trì bảo dưỡng.
Hiện nay, EVN và một số đơn vị thành viên đã đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng với mục đích phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể liên kết với các thành phần kinh tế khác tạo chuỗi sản xuất và cung ứng, cũng như để thực hiện các dự án lớn, điển hình như lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin; lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên, để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng dịch vụ, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích và sửa đổi các qui định liên quan cho phù hợp (như: Luật đấu thầu, qui định liên quan đầu tư vốn ...) để mở rộng phạm vi và thị trường cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp.
Sẵn sàng tâm thế, vượt thách thức năm 2023
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Long Hải – Bí thư Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong năm 2022. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Trong năm 2023 và những năm sắp tới, ông Nguyễn Long Hải đề nghị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tiếp tục cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý những vấn đề còn tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm tiến độ và tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty để hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định: Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19, tình hình chính trị thế giới, nhưng các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đã có sự phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xác định năm 2023 và giai đoạn tới sẽ còn rất nhiều những khó khăn, ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các đơn vị sẵn sàng tâm thế, nỗ lực 150-200% để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đơn vị cần xây dựng chiến lược dài hơi; thực hiện tốt công tác dự báo; nghiên cứu, tìm hiểu những cơ hội mới, lĩnh vực mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.